Tỉnh lẻ thời COVID-19!

Tiêu điểm 14:23 16/04/2020
Dạo này trong tôi đang có thay đổi đáng ngạc nhiên. Đáng kể là cứ ngóng tới giờ để coi thời sự VTV1, ngày đủ 3 buổi. Mà xem với sự tập trung, đôi khi như muốn căng thẳng! Hồi hộp nghe diễn biến con corona (Covid-19) đang chạy nhảy và bay xa nữa, bay rất xa khắp năm châu bốn biển, biến hoá hơn Tề Thiên; hung hăng tung đòn chớp nhoáng, đánh té biết bao người, phải vào bệnh viện. Người nào sơ sẩy, bị nặng, cứu chữa không kịp, mạng vong.

Sự quan tâm tới Covid-19 khiến tôi mất không ít thời gian để suy nghĩ thêm làm sao né được đòn tấn công của Covid không riêng cho tôi, cho nhà tôi, mà hơn nữa còn là hãng tôi với vài ngàn lao động. Không chỉ coi thời sự VTV, tôi còn coi thời sự đài địa phương để nắm diễn biến mới nhất, phải liên tục lên các trang tin điện tử để cập nhật thông tin chi tiết hơn. Tìm trong đống ngồn ngộn thông tin các trang web, những yếu tố nào có tác động tới hoạt động của hãng tôi như: tình hình cung cầu thế giới vì hãng tôi làm hàng xuất khẩu, tình hình logistics, tình hình trong nước, đồng nghiệp… Mọi thông tin dù lớn hay nhỏ đều được đem ra phân tích lợi, hại nhằm có kịch bản, phương án riêng cho mình. Tất cả nhằm giảm tối đa thiệt hại, nhưng hơn nữa là tìm cơ hội vươn lên trong lúc nguy nan, để hãng trụ lại trong khốn khó và thậm chí có thể mạnh mẽ hơn ngay sau này.

 

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Chính phủ công bố nửa tháng cách ly xã hội. Tuy có chút chậm, tới ngày thứ 3, bộ mặt tỉnh lỵ mới chuyển biến thật sự. Ở tỉnh lẻ, cuộc sống như trôi chậm hơn các thành phố lớn, cho nên việc thực thi các quy định của Chính phủ không thể nhanh nhạy tức thì được! Dẫu sao đã ổn thỏa. Cả ngày, đường phố vắng vẻ hơn. Các quán xá đều đóng cửa. Chỉ có các tiệm bán thức ăn đem về và các tiệm tạp hóa là còn chút ồn ào ngày thường. Trong chợ bỗng xuất hiện “cà phê hé”. Nhớ trong khoảng chục năm từ sau 75, từ này xuất hiện. Lúc đó, khan hiếm cà phê và hạn chế buôn bán tư nhân, mấy người ghiền cà phê tới tiệm quen lách qua cánh cửa mở hé chỉ để được thưởng thức cà phê với chất lượng vô chừng, vì nguồn cà phê hiếm hoi, trôi nổi làm gì có chuẩn mực! Bây giờ, có khác chút, bàn cách bàn khá xa và cà phê ngon hơn, dẫu đôi khi chưa chắc thiệt hơn! Bởi hồi xưa chưa có cà phê đểu. Các quán này chỉ chữa lửa cho số ít người, tầm lao động bình dân. Còn những người ghiền cà phê sân vườn, ghiền không khí chút ồn ào buổi sáng mai nay chịu thua. Bởi các quán này đều nghiêm chỉnh đóng cửa, có dán thông báo rõ ràng và có quán bán mang về. Ghiền thì họ tự pha cà phê ở nhà, không có điều kiện thì chạy mua mang về. Muốn có chút không gian ồn ào thì nhâm nhi cà phê vừa xem TV thời sự nàng Covid đỏng đảnh, cũng ổn thôi. Còn ăn sáng, các tiệm làm bánh mì và trực tiếp bán rất đông khách. Có lẽ, nếu có thống kê, bây giờ buổi ăn sáng rất “tập trung” món ăn, chỉ bánh mì và mì gói! Dân tỉnh lỵ đơn giản như vậy, đáng khen.

Mỗi sáng, khi đi làm, tôi rẽ xe chạy vòng vòng đi tìm cái lạ của không gian tỉnh lỵ thời Covid. Các con đường đều vắng vẻ, các quán đều im lìm. Trường học đóng cửa, khó nghe tiếng trẻ em trên phố. Tất cả ở trong nhà. Trước đây, từ đầu năm, sau nghị định kiểm soát chất cồn người tham gia giao thông, các quán “nhậu” đã giảm khách bất thường, trống vắng thấy thương. Phụ nữ thấy thương cảnh này vì nhà sẽ đủ người hơn! Đâu thể chịu buông tay, chịu thua; hãng bia số một tung ra bia không cồn. Cũng khá ngon, chớ không tệ đâu nghe. Bia này ít nhiều thu hút dân “nhậu” tới quán “thử” cho biết. Quán có phần khôi phục khách. Bất ngờ, thông báo phong tỏa xã hội, hàng quán bia đìu hiu thấy càng đáng thương hơn nữa! Có quán tìm đường sống lay lắt, đợi qua cơn bĩ cực bằng cách bán đồ ăn giao tận nhà. Cũng linh hoạt, khá hay.  Mỗi sáng, trước đây, tôi cũng hay ngồi quán cà phê. Người bán vé số dạo cứ tới mời, tôi lịch sự lắc đầu và trả lời không mua. Đôi khi phải lắc đầu hoài, cảm thấy bị phiền sinh chút bực bội trong bụng. Nhưng nghĩ lại, người bán vé số do hoàn cảnh phải bươn chải, do “cạnh tranh” đôi  khi họ có động thái khiến mình không hài lòng… là chuyện bình thường, tốt hơn nên thông cảm, bỏ qua. Trong cảnh khá bình lặng của quán xá, những người bán vé số dạo (và còn nhiều người lao động các thành phần khác) chắc chỉ ở nhà, sinh sống khó khăn.

Tôi quan tâm Covid lắm! Tôi quan tâm một, Chính phủ quan tâm một triệu lần hơn! Hàng ngày, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid liên tục họp. Nhiều quyết sách liên tục được ban hành. Ngoài các giải pháp phòng chống dịch ngày càng chặt chẽ, triệt để và có hiệu quả là các chính sách an dân, chính sách chăm lo hoạt động sản xuất trong cả nước. Tất cả là một thể đồng bộ, không thể coi nhẹ mặt nào. Tôi nghe tin một nhà máy ở Bình Dương có 800 lao động tạm đóng cửa cách ly theo quy định vì chỉ có một chuyên gia làm việc ở đó không may dương tính với Covid. Nhìn người ngẫm mình. Hãng tôi phải xây dựng kịch bản xấu nhất ở từng đơn vị, để chủ động hơn khi khó khăn ập đến. Nay tôi an tâm hơn, tình huống xấu xảy ra, có Chính phủ đồng hành chia sẻ, gánh vác bớt khó khăn thông qua chính sách an dân, người lao động tạm thời mất việc sẽ được hỗ trợ khoản tiền chi tiêu những ngày thất nghiệp. Ngoài lực lượng nói trên, công nhân, người bán vé số, người phụ bán cà phê, quán ăn; những thành phần lao động khác, những người có công, những người đang trong hoàn cảnh khó khăn bệnh tật… đều đều được chăm lo trong những ngày đầy tính thời sự này. Trước mắt, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện chung tay hỗ trợ kịp thời các người quá khó khăn. Của ít lòng nhiều làm ấm lòng nhau, thật quý giá vô cùng. Nói cho đầy đủ, Chính phủ còn những gói hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp như giảm lãi suất tiền vay, giãn nợ, giãn đóng những khoản tiền định kỳ…

Sự chỉ đạo, sự chăm lo của Chính phủ lan tỏa cả nước, tới tận vùng quê xa xôi. Người dân cảm nhận được và chấp hành các quy định căn bản là nghiêm túc. Việt Nam được thế giới biết nhiều hơn, qua tình cảm ngưỡng mộ, vì quyết sách phòng chống bệnh hiệu quả của Chính phủ. Tỉnh lẻ miền Tây tôi đang sinh sống cũng hòa trong bối cảnh chung đó. Cũng may Covid, chắc khoái ánh đèn hào nhoáng đô thị, nên không thèm đoái hoài tỉnh lẻ. Nhờ đó tỉnh lỵ tôi ngày qua ngày trong bình yên và người dân quê tôi bớt lo âu.

Hai tiếng Covid trở thành từ được quan tâm và biết nhiều nhất, nởi tiếng nhất thế giới bây giờ. Tổng thống Donald Trump hay siêu sao bóng đá Ronaldo bị bỏ xa, xa lơ xa lắc nếu có người bỏ công thăm dò, thống kê. Tác động của Covid tới mọi miền toàn thế giới, tỉnh lẻ tôi không ngoại lệ. Covid làm giảm tốc độ cuộc sống, chắc là điểm mạnh duy nhất nếu nhìn nhận cho công minh! Cuộc sống phong phú, muôn màu. Nhưng hiếm hoi có không gian tỉnh lỵ trầm lắng, đầy yên bình như hiện nay, cho tôi một cảm xúc mới, do Covid mà ra! Tỉnh lẻ thời covid cũng khá đầy cung bậc cảm xúc đâu thua kém nơi nào. Ai cũng ghét Covid, ai cũng muốn nó tiêu tan ngay, nhưng hai tiếng này chắc còn đọng trong tâm tưởng mọi người dài lâu.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bạn đang đọc bài viết Tỉnh lẻ thời COVID-19! tại chuyên mục Tiêu điểm của Hiệp hội VASEP

TIN MỚI CẬP NHẬT

Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản chú trọng phát triển thị trường nội địa

 |  10:27 18/07/2024

Ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang mở rộng thị phần tại thị trường nội địa nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

 |  10:15 18/07/2024

(vasep.com.vn) Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao các cơ quan chức năng liên quan xem xét, giải quyết 3 kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản.

Ngư dân ở Newfoundland biểu tình để bảo vệ nguồn lợi cá tuyết

 |  09:08 18/07/2024

(vasep.com.vn) Bộ trưởng Thủy sản Canada Diane Lebouthillier đã thông báo vào ngày 28/6 rằng lệnh cấm 32 năm đối với cá tuyết miền Bắc sẽ kết thúc trong năm nay, với hạn ngạch 18.000 tấn. Với việc quay trở lại nghề đánh cá thương mại, những người đánh cá ngoài khơi cũng được phép đánh bắt cá tuyết trở lại.

Sản lượng thức ăn nuôi tôm của Trung Quốc tăng vọt

 |  09:03 18/07/2024

(vasep.com.vn)Theo chuyên gia nuôi trồng thủy sản Jin Niu, giáo sư tại Đại học Sun Yat-Sen, sản lượng thức ăn tôm của Trung Quốc đạt 1,824 triệu tấn vào năm 2023, tăng đáng kể so với 1,656 triệu tấn của năm trước đó.

Nhập khẩu tôm của Mỹ năm 2024 có thể tăng so với 2023

 |  08:59 18/07/2024

(vasep.com.vn) Nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ bắt đầu tăng từ tháng 5, bất chấp quy định sơ bộ về thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá áp dụng lên các quốc gia xuất khẩu.

Đề xuất các chỉ số bền vững mới cho thành phần thức ăn nuôi trồng thủy sản

 |  08:54 18/07/2024

(vasep.com.vn)Một bài đánh giá được công bố trên Tạp chí Khoa học Thủy sản và Nuôi trồng Thủy sản đề xuất sử dụng đánh giá vòng đời (LCA) làm tiêu chuẩn để đánh giá tính bền vững của các thành phần thức ăn nuôi trồng thủy sản. Bài đánh giá được công bố trên tạp chí Reviews in Fisheries Science and Aquaculture đề xuất sử dụng LCA để đánh giá tính bền vững của các thành phần thức ăn nuôi trồng thủy sản.

Các tổ chức phi chính phủ kêu gọi chính phủ Na Uy cấm dầu cá có nguồn gốc từ Tây Phi

 |  08:55 17/07/2024

(vasep.com.vn) Tổng cộng có 39 tổ chức từ Tây Phi và Na Uy đã kêu gọi chính phủ Na Uy cấm sử dụng dầu cá có nguồn gốc từ Tây Phi tại các trang trại nuôi cá hồi của quốc gia này. Một phần đáng kể dầu cá được sử dụng trong ngành cá hồi của Na Uy có nguồn gốc từ Tây Phi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.

Yuehai Feed của Trung Quốc thua lỗ trong nửa đầu năm

 |  08:52 17/07/2024

(vasep.com.vn) Trong khi một nhà sản xuất thức ăn thủy sản Trung Quốc báo cáo rằng họ kỳ vọng đạt lợi nhuận kỷ lục trong nửa đầu năm thì một nhà sản xuất khác lại dự đoán mức lỗ lớn hơn, do tình hình thị trường nuôi trồng thủy sản Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức. Guangdong Yuehai Feeds Group đã nêu lý do thời tiết khắc nghiệt, thị trường hải sản ảm đạm và giá thức ăn chăn nuôi giảm là nguyên nhân dẫn đến hiệu suất suy yếu.

Đóng cửa ngư trường: Thúc đẩy nghề cá bền vững

 |  08:50 17/07/2024

(vasep.com.vn) Trong một động thái mang tính bước ngoặt, ba quốc gia Tây Phi: Benin, Bờ Biển Ngà và Ghana đã hợp lực để bảo vệ tài nguyên biển của họ bằng cách thực hiện các mùa đóng cửa toàn diện cho toàn bộ nghề cá của họ. Nỗ lực phối hợp này đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc thiết lập một mùa đánh bắt cá khép kín trong khu vực, đảm bảo tính bền vững lâu dài của nghề cá.

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC