Nguy cơ từ hàng nhập khẩu
Phát biểu tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su cho biết, theo các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, cao su thiên nhiên nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%, điều này sẽ khuyến khích DN ưu tiên chọn nguồn nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Nguồn cao su thiên nhiên nhập khẩu từ Campuchia và Lào gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây cũng góp phần tạo áp lực cạnh tranh với nguồn cao su trong nước. Ngành công nghiệp chế biến thành phẩm cao su cũng gặp khó khăn trong cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu không được kiểm soát về giá cả. “Hiện vẫn còn thiếu hàng rào kỹ thuật trong thương mại để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu từ các nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước” – ông Thuận nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương:
Cần nghiên cứu hàng rào kỹ thuật để hỗ trợ tốt cho sản xuất trong nước Hiện các nước lớn đang có xu hướng nâng cao hàng rào kỹ thuật như chuyển đổi năng lượng sạch, sản xuất cacbon thấp, thuế tối thiểu toàn cầu… Xu hướng này đặt ra những luật chơi mới và là cuộc đua không cân sức đối với những nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam. Do đó, Việt Nam cũng cần nghiên cứu hàng rào kỹ thuật để làm sao không vi phạm cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do nhưng vẫn hỗ trợ tốt cho sản xuất trong nước. Để làm được điều này, bản thân những người trong cuộc là từng hiệp hội, từng DN cần đóng góp ý kiến cho Bộ Công Thương. Cần nắm bắt chính sách của các nước để có phản ứng trong bản thân DN và đề xuất phản ứng về chính sách cho Chính phủ. Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS):
Xin cấp phép một nhà máy sản xuất vải là vô cùng khó khăn Những năm qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã rất nỗ lực đàm phán với các quốc gia để ký các Hiệp định thương mại tự do nhằm mang lại lợi ích cho hàng hóa và DN Việt Nam. Nhưng doanh nghiệp có nguy cơ không được hưởng lợi từ những hiệp định này do một số vấn đề. Cụ thể, Hiệp định EVFTA đưa ra yêu cầu xuất xứ phải từ vải trở đi. Nhưng tại các địa phương, việc xin cấp phép một nhà máy sản xuất vải là vô cùng khó khăn. Nếu không có vải thì các FTA đó gần như không có ý nghĩa. Các địa phương lo ngại những vấn đề về môi trường, xử lý nước thải, nhưng trên thực tế hiện nay việc xử lý nước thải rất đơn giản, chỉ là vấn đề công nghệ. Các địa phương chỉ cần tổ chức kiểm tra, giám sát và xử phạt thật nặng các vi phạm. Hơn nữa, hiện nay các khách hàng đều đưa ra những yêu cầu về phát triển bền vững, ESG nên bản thân các DN cũng phải tự mình cải tiến quy trình sản xuất để không gây ảnh hưởng tới môi trường. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam:
DN còn chịu gánh nặng về các khoản chi phí logistics Hiện thu nhập của người lao động trong ngành da giày Việt Nam ở mức 350 USD/tháng, trong khi tại Bangladesh chỉ ở mức 120 USD, Indonesia là 150 USD. Thêm vào đó, các chi phí mà DN và người lao động phải nộp theo chính sách và phí công đoàn hiện là 32%. Với những DN làm đơn hàng FOB (tự mua nguyên liệu sau đó bán thành phẩm), chi phí nhân công đang chiếm 20-30% chi phí, tương đương với 6-8% trong cơ cấu giá FOB. Còn với các DN làm gia công, chi phí nhân công chiếm tới 60-70% chi phí, tương ứng 15-17% giá gia công. Trong khi đó, các nước lân cận, chi phí lương chỉ ở mức quanh 15% trong cơ cấu chi phí. Bên cạnh đó, DN còn chịu gánh nặng về các khoản chi phí logistics, đặc biệt là chi phí cầu cảng… Những yếu tố này làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam trong việc thu hút đơn hàng. Trong tình hình hiện nay, giải pháp trước mắt là cần giảm chi phí cho DN để vượt qua khó khăn, giúp DN đủ sức giữ chân người lao động. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP:
Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu ngành, sản phẩm cho sản phẩm thủy sản chủ lực Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm phát triển “Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín…”, với định hướng phát triển “thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản, nhất là các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao của Việt Nam”. Hiện tại, Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu ngành, sản phẩm cho sản phẩm thủy sản chủ lực. Trong khi, thương hiệu sản phẩm (tôm, cá tra…Việt Nam) là rất quan trọng, làm nền tảng cho một thời cơ mới tiếp theo. Có thương hiệu sẽ là một bước tiến không chỉ giải quyết một số thách thức thị trường hiện nay mà còn thêm một tầm năng lực mới để thâm nhập thị trường tốt hơn, tăng năng suất lao động và giá trị ngành hàng, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững. Do đó, VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với VASEP triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho trước hết 3 sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ, bắt đầu từ quý 4/2023. |
Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội nhôm thanh định hình Việt Nam cũng cho biết, ngành nhôm đang đối mặt với hiện tượng dư thừa công suất, sản lượng của các nhà máy những năm qua chỉ đạt khoảng 60% công suất thiết kế. Trong khi đó, 2 năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Trung Quốc đang tìm kiếm các dự án chuyển nhượng hoặc dự án đầu tư mới để sản xuất nhôm định hình phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá của Việt Nam và thuế phòng vệ thương mại của nhiều nước đang áp dụng đối với nhôm Trung Quốc.
“Nếu các DN Trung Quốc đầu tư nhà máy sản xuất nhôm tại Việt Nam thì sẽ làm trầm trọng hơn việc dư thừa công suất ngành nhôm, đẩy các nhà sản xuất nhôm Việt đứng trước nguy cơ mất đi thị trường trong nước lần thứ hai, về lâu dài sẽ khiến các sản phẩm nhôm Việt bị đe dọa áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường lớn đang áp thuế nhôm Trung Quốc như Mỹ, Canada, châu Âu...” – ông Kế cho biết. Bên cạnh đó còn xuất hiện hiện tượng một số đơn vị nhập lậu nguyên liệu, trốn thuế GTGT khối lượng lớn để giảm giá bán cạnh tranh với các nhà sản xuất, gây rối loại thị trường nội địa.
Tương tự, ngành điều cũng đang gặp khó khăn trước tình trạng điều nhân nhập khẩu từ châu Phi ngày càng tăng, đe dọa ngành sản xuất, chế biến điều trong nước. Các nước châu Phi trước đây vốn là đối tác cung cấp điều thô cho Việt Nam, nay đang dần vươn lên thành đối thủ cạnh tranh với điều nhân Việt Nam. Các nước này quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu điều thô, áp mức thuế xuất khẩu cao, trong khi lại miễn thuế cho điều nhân xuất khẩu. Còn tại Việt Nam, cả điều thô và điều nhân nhập khẩu đều được miễn thuế.
Cần chính sách bảo vệ sản xuất trong nước
Trước những mối đe dọa ngày càng tăng lên từ hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đều kiến nghị cần có chính sách để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Minh Kế cho biết, vào quý 3/2023 sẽ đến đợt rà soát cuối kỳ biện pháp áp thuế chống bán phá giá nhôm Trung Quốc. Theo đó, Hội nhôm thanh định hình Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương duy trì chính sách thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước, phù hợp với luật pháp quốc tế và đảm bảo tính hiệu quả cao nhất của việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cho hàng hóa trong nước.
Cùng với đó, cần lưu ý đến hiện tượng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào ngành nhôm từ Trung Quốc sang Việt Nam, xem xét thấu đáo và có giải pháp thanh lọc nhằm hạn chế các dự án sản xuất nhôm định hình có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó cần cân nhắc tác động của các dự án đến ngành sản xuất nhôm trong nước.
Ông Nguyễn Văn Thuận cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo lường Chất lượng xây dựng hàng rào kỹ thuật đối cho sản phẩm cao su nhập khẩu như lốp xe, găng tay cao su để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu từ các nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước.
Còn đối với vấn đề điều nhân nhập khẩu từ châu Phi, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đề nghị Chính phủ cần sớm đàm phán, ký các hiệp định song phương với các nước châu Phi về miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa của nhau, trong đó có việc các nước châu Phi miễn thuế với điều thô xuất khẩu sang Việt Nam. Trong trường hợp không đàm phán được, ông Nhựt đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ quốc tế để không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam, áp thuế suất 25% với hạt điều đã bóc vỏ (mã 0801.32.00); đồng thời áp giá nhập khẩu tối thiếu đối với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện Ấn Độ cũng đang áp dụng chính sách này với điều nhân nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nêu lên rằng, xu hướng của các thị trường hiện ngày càng theo định hướng bền vững. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc, tính bền vững, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường của chuỗi sản xuất sản phẩm, do đó đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng DN.
Tuy nhiên, theo ông Nam, bên cạnh việc cạnh tranh của các quốc gia có cùng mặt hàng thủy sản xuất khẩu chiến lược, tại không ít thị trường trọng điểm của Việt Nam có tình trạng “truyền thông bôi nhọ” có chủ đích, các quy định dựng lên thiếu cơ sở khoa học hoặc nghiêm ngặt quá mức cần thiết, những biện pháp bảo hộ khởi động trong khuôn khổ “không vi phạm WTO” như các vụ điều tra chống bán phá giá khi xuất khẩu của Việt Nam gia tăng được thị phần. Bên cạnh đó là những dấu hiệu về quá trình thực thi thiếu công bằng, phân biệt đối xử với hàng hóa từ Việt Nam của một vài quốc gia đối tác trong khuôn khổ FTA đã ký. Ví dụ như DN Hàn Quốc phải mua quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam...
“Những cách thức và diễn biến trên đã diễn ra, đòi hòi các DN, ngành hàng và các bộ, ngành cùng phối hợp hiệu quả trong đấu tranh quốc tế và bảo vệ quyền lợi của Việt Nam. Cụ thể, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ để nhận diện, chủ động, hiệu quả trong đấu tranh quốc tế với các dấu hiệu hoặc diễn biến gây khó khăn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam” – ông Nam kiến nghị.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đưa ra những dự báo về triển vọng sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới cùng những giải pháp từ phía ngành Công Thương nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu. Kết quả xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay đã cho thấy rất nhiều khó khăn, tình hình trong thời gian tới dự báo sẽ diễn biến ra sao, thưa ông? Trong quý 1/2023, tình hình sản xuất, xuất khẩu của các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng là khác nhau. Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU... như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản là những ngành sụt giảm nhiều nhất. Trong khi đó các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều,... ít chịu tác động hơn. Bên cạnh yếu tố thị trường thì chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng cũng đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các DN sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển,... cũng tăng cao. Ngoài ra, một số ngành hàng như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Dự báo thời gian tới, mặc dù lạm phát tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu vẫn còn cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhưng đã có xu hướng chững lại. Tăng trưởng ở các nền kinh tế Đông Á, Đông Nam Á được dự báo sẽ tạo động lực chính cho kinh tế toàn cầu trong các tháng tới. Thương mại quốc tế có thể tăng nhẹ trong quý 2/2023 nhưng tổng thể năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn. Ở trong nước, nền kinh tế có những yếu tố kỳ vọng phục hồi. Lãi suất ngân hàng sau thời điểm tăng cao cuối năm 2022 đã bắt đầu hạ nhiệt. Nhiều ngân hàng đã công bố hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Các hoạt động đẩy mạnh đầu tư công, xúc tiến, thu hút đầu tư được Chính phủ quan tâm thúc đẩy. Các FTA tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA. Trong bối cảnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng như Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất và xuất khẩu, thưa ông? Nhằm triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, DN. Theo đó, mỗi lĩnh vực có một khó khăn khác nhau. Với những khó khăn về chính sách tiền tệ, tín dụng, điều kiện tín dụng và hạn mức tín dụng, Bộ Công Thương sẽ tập hợp và chuyển cho Ngân hàng nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền để xem xét, tháo gỡ cụ thể. Cùng với đó, sẽ rà soát các công trình, dự án đầu tư để sớm đưa các dự án này vào vận hành giúp tăng năng lực sản xuất và tăng chủ động nguồn cung nguyên liệu, nhiên vật liệu cho sản xuất, xuất khẩu. Bộ Công Thương cũng duy trì giao ban hàng tháng với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với sự tham gia của các địa phương, hiệp hội, DN… để kết nối cung cầu, tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường xuất khẩu còn tiềm năng. Qua đó cung cấp cho các DN, hiệp hội nhiều thông tin về nhu cầu hàng hóa, đối thủ cạnh tranh, khó khăn thuận lợi khi hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường đó. Đối với công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, mặc dù Việt Nam đã tham gia 16 FTA, nhưng mở cửa không có nghĩa là nghiễm nhiên hàng hóa Việt Nam có thể vào được các thị trường này mà để tiếp cận, thâm nhập được thị trường thì phải thông qua công tác xúc tiến thương mại. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Xin cảm ơn ông! |
Theo Hải quan Online
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con ngư dân tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tích cực vươn khơi bám biển để phát triển kinh tế và kỳ vọng có chuyến biển bội thu vào cuối năm, để có một cái Tết sung túc, đầy đủ hơn.
(vasep.com.vn) Xuất khẩu tôm năm 2024 đạt gần 4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023. Nhìn lại năm 2024, ngành tôm đã kiên trì và nỗ lực vượt qua thử thách, khẳng định vị thế vững chắc trong xuất khẩu.
(vasep.com.vn) Trong một động thái quan trọng nhằm bảo vệ ngành đánh bắt quan trọng của Guam, Hội đồng Quản lý Nghề cá Khu vực Tây Thái Bình Dương đã công bố các biện pháp mới để tái thiết trữ lượng cá đáy, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về sự tham gia của cộng đồng vào việc thu thập dữ liệu và quản lý nghề cá.
(vasep.com.vn) Francisco Aldon là Giám đốc Điều hành của MarinTrust, một chương trình chứng nhận nguyên liệu biển quốc tế.
(vasep.com.vn) Ngành tôm của Ecuador đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2024 đầy biến động và mặc dù có vị thế vững chắc trên thị trường, nhưng ngành này sẽ kết thúc với mức tăng trưởng hằng năm rất thấp hoặc không tăng trưởng.
(vasep.com.vn) Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum có thể tìm đến đối thủ kinh tế lớn nhất của Washington vào thời điểm Bắc Kinh đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Mỹ Latinh.
(vasep.com.vn) Nếu như năm 2023, XK cá ngừ của Việt Nam sang Bồ Đào Nha vẫn chưa được đều đặn, năm 2024 các đơn hàng XK sang thị trường này đã thường xuyên hơn. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ sang Bồ Đào Nha trong năm 2024 chỉ đạt khoảng 10 triệu USD, tăng 379% so với cùng kỳ.
(vasep.com.vn) Hàng năm, USDA công bố các yêu cầu mua hàng mở đối với hơn 200 sản phẩm để phân phối thông qua các chương trình thực phẩm trong nước. Vào năm 2024, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã chi gần 260 triệu USD cho thủy sản, phân bổ cho ít nhất 9 nhóm loài.
(vasep.com.vn) Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế đối với cá và hải sản từ Na Uy vào Liên minh Châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực. Quyết định này được đưa ra sau các cuộc đàm phán kéo dài giữa Na Uy và EU trong khuôn khổ thỏa thuận Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA), có hiệu lực từ 1 tháng 5 năm 2021 đến 30 tháng 4 năm 2028. Những hạn ngạch này được kỳ vọng sẽ tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu của Na Uy cũng như thị trường cá và hải sản tại Châu Âu.
(vasep.com.vn) Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science cho thấy các khu vực bảo vệ biển quy mô lớn (MPAs) có thể làm tăng tỷ lệ bắt cá, ngay cả khi có sự lan tỏa ra ngoài ranh giới của các khu vực này, đặc biệt là đối với các loài di cư như cá ngừ mắt to.
VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội
Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO
Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu
Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn
Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh
Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn
VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn