Phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững
Tại Hội nghị Triển khai Chương trình Quốc gia Phát triển nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2021-2030 diễn ra vào chiều 21/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản nước ta không ngừng phát triển, tạo được nhiều dấu ấn và có vị trí rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.
Kết quả nổi bật năm 2022 là sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 5,2 triệu tấn (tăng 7,2% so với năm 2021); kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mức 11 tỷ USD, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, triển khai Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 16/8/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 985/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu của Chương trình hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7,0 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm.
Đặc biệt, trong 8 năm tới, chúng ta sẽ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 50 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung.
Hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản.
“Dư địa phát triển nuôi trồng thuỷ sản còn rất lớn. Chúng ta có các hệ thống sông ngòi dày đặc, rất nhiều hồ nước sâu, đầm phá nhưng đa số hồ chứa nước chưa được khai thác tiềm năng, lợi thế.
Các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản cũng rất đa dạng, từ cá tra, nuôi biển và các loài nhuyễn thể hai mảnh... Chúng ta đã có các nhà máy hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và vùng nguyên liệu. Vấn đề là làm sao để khai thác toàn bộ tiềm năng của các vùng nuôi, của các đối tượng nuôi để đạt được mục tiêu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Dư địa phát triển nuôi trồng thuỷ sản còn rất lớn. Ảnh: Tùng Đinh.
Trong nhiều năm qua, chúng ta đã xây dựng được chuỗi giá trị cá tra và đến nay đã phát huy hiệu quả. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lấy ví dụ, khi giá cá tra xuống thấp nhất thì các hộ nuôi trong chuỗi vẫn bán được 23.000 đồng/kg trong khi các hộ ngoài chuỗi chỉ bán được 18.000 đồng/kg.
Đến năm 2030, chúng ta cũng đặt mục tiêu chủ động sản xuất, cung ứng được trên 70% nhu cầu tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 100% cá tra bố mẹ chọn giống. Đồng thời cải thiện chất lượng con giống các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn.
28 nhóm dự án ưu tiên với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng
Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Nhữ Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết, ngành thuỷ sản cần phát triển sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản theo nhóm loài, nhất là tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi.
Bên cạnh đó, phải kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong thuỷ sản; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản; đồng thời phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản.
Ông Nhữ Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) công bố nội dung chính của Chương trình và kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: Minh Phúc.
Trong giai đoạn 2021-2030, Chính phủ cũng đã xác định 9 nhóm dự án với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng về phát triển nuôi trồng thuỷ sản và 19 dự án/nhóm dự án đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển nuôi trồng thuỷ sản ưu tiên với tổng kinh phí 6.000 tỷ đồng.
Ông Cẩn cũng cho biết, Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn phát triển thuỷ sản. Trước năm 2000, quy mô sản xuất thuỷ sản còn nhỏ lẻ. Từ năm 2000-2010, chúng ta triển khai Chương trình 224 cùng với Nghị quyết 09 về chuyển đổi đất hoang hoá sang nuôi trồng thuỷ sản thì sản lượng thuỷ sản đã tăng trưởng rất mạnh. Nhờ đó, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đã đạt trên 1 triệu ha. Kim ngạch xuất khẩu chúng ta vượt qua mốc 5 tỷ USD.
Giai đoạn 2011-2020, chúng ta tập trung tái cơ cấu ngành, trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển bền vững và tăng giá trị thương mại của sản phẩm, giúp kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt mức 8 tỷ USD.
Và trong giai đoạn 2021-2022, theo định hướng và tư duy mới, chúng ta đã có một khung quy định hết sức hoàn chỉnh, nhất là Luật Chăn nuôi, cùng với đó là Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm; đề án nuôi biển và bây giờ là Quyết định 985 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 cùng một loạt đề án khác để hỗ trợ cho Chương trình phát triển này.
Về dự báo thị trường, ông Nhữ Văn Cẩn cho biết, theo đánh giá của FAO, nhu cầu thuỷ sản trong giai đoạn 2020 -3030 sẽ tăng khoảng 18% và sản lượng chỉ tăng 15%. Như vậy có khả năng nhu cầu tăng cao hơn so với năng lực sản xuất.
Về nhóm tăng trưởng của giai đoạn tới, chúng ta sẽ chú trọng vào nhuyễn thể, cá biển và rong tảo biển. Với nhóm cá tra, chúng ta không tăng trưởng nhiều về sản lượng nhưng sẽ tăng trưởng về giá trị.
Về kim ngạch xuất khẩu, với con tôm, chúng ta hướng tới mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỷ USD đến năm 2025 và 6,2 tỷ vào năm 2030; cá tra chúng ta hướng tới giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2025 và 3 tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài ra, 2 nhóm mới là nuôi biển hướng tới đạt 900 triệu USD vào năm 2025 và 2 tỷ USD vào năm 2030. Những con số này cũng đã được tính toán và cân nhắc rất kỹ từ các yếu tố thị trường, khả năng phát triển.
Trăn trở về phát triển giống thuỷ sản và kế hoạch phát triển nuôi biển
Theo ông Nguyễn Tử Cương - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, với Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030, chúng ta nhận thấy rất rõ sự phát triển từ nghề cá sản xuất hàng hoá sang sản xuất hàng hoá lớn và bền vững.
Ông Nguyễn Tử Cương - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.
Tuy nhiên, ông Cương cũng nêu một số băn khoăn và kiến nghị cho Tổng cục Thuỷ sản cũng như Bộ NN-PTNT. Thứ nhất, về con giống, chúng ta tập trung vào hai đối tượng chính là cá tra và tôm. Cá tra bố mẹ ngoài tự nhiên và cá tra tại các trại giống đang bị thoái hoá dần, từ đó dẫn đến hiện tượng cá ăn nhiều nhưng lớn chậm, nhiều bệnh và tỷ lệ chết cao.
Còn tôm giống, chúng ta thấy tôm sú gần như phải dựa vào tự nhiên và nhập khẩu. Tôm thẻ chân trắng chúng ta cũng mới chủ động được 50%. Tuy nhiên, số lượng trang trại tôm giống của cả nước 2021 là 1.400 cơ sở sản xuất giống. Theo chúng tôi là số lượng cơ sở ương dưỡng cực kỳ lớn.
"Giá mà chúng ta có khoảng 200 trại sản xuất giống thôi, vì mảng này chúng ta quản lý chưa hiệu quả”, ông Cương nói.
Bên cạnh đó, chúng ta phải đánh giá và chứng nhận thực hành sản xuất tốt nuôi trồng thuỷ sản VietGAP theo quy chuẩn, làm thực chất chứ không phải hình thức.
Thứ ba, có tình trạng người dân mua phải thức ăn thuỷ sản không đảm bảo chất lượng, chế phẩm sinh học mang về dùng không hiệu quả, thuốc thú y cũng vậy. Do đó, cần phải siết chặt quản lý vật tư đầu vào nuôi trồng thuỷ sản.
PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.
PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng: Khác với nuôi trồng thuỷ sản ở ao hồ, phát triển nuôi biển yêu cầu phải chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá thương mại. Bởi vậy nó gắn với việc giao khu vực biển. Các địa phương cần các hướng dẫn cụ thể, minh bạch về các tiêu chuẩn, quy chuẩn để triển khai thực hiện. “Nếu không có hướng dẫn cụ thể thì mãi mãi dân làm và dân chịu”, ông Dũng nói.
Bảo Ngọc (Theo Nông nghiệp VN)
(vasep.com.vn) Nhập khẩu cá rô phi của Hoa Kỳ tiếp tục giảm trong tháng 9, với mức giảm đáng kể về khối lượng và giá, chủ yếu là đối với phi lê tươi.
(vasep.com.vn) Thông báo của Phái đoàn EU tại Senegal nêu rõ mối lo này xuất phát từ thiếu sót trong hệ thống giám sát đối với cả tàu cá trong nước và quốc tế hoạt động từ cảng Dakar.
(vasep.com.vn) Tổ chức Pew Charitable Trusts gần đây đã xuất bản một bài báo nêu bật phạm vi quốc tế của Trung tâm giám sát, kiểm soát và giám sát Khu bảo tồn biển Cocos của Costa Rica (MCCA). Trung tâm này, nơi bảo vệ Di sản thế giới của UNESCO, đi đầu trong cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp tại một trong những khu bảo tồn biển quan trọng nhất thế giới.
(vasep.com.vn) Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10 đạt gần 93 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tính luỹ kế 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch XK đạt hơn 821 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cước vận tải biển quốc tế vẫn biến động khó lường, buộc các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu phải linh hoạt và điều chỉnh chiến lược để thích ứng.
Ngày 17/11, tại Hội trường UBND tỉnh Đồng Tháp diễn ra hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025.
(vasep.com.vn) Xuất khẩu hải sản của Việt Nam tính đến hết tháng 10/2024 tăng 9%, đtạ hơn 3,3 tỷ USD. Xuất khẩu các nhóm mặt hàng hải sản hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, trừ mực và bạch tuộc.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
(vasep.com.vn) Ngày 14/11/2024, Bộ Tài chính đã có Công văn 12433/BTC-TCT về việc xử lý phản ánh, kiến nghị của các thành viên Hội đồng tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính (CCTTHC).
(vasep.com.vn) Tập đoàn thức ăn chăn nuôi BioMar của Đan Mạch chứng kiến doanh số bán hàng giảm trong quý 3 nhưng thu nhập vẫn tăng mạnh.
VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội
Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO
Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu
Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn
Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh
Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn
VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn