Vấn đề lao động được đề cập trong Hiệp định là do:
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này, cụ thể là họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Đây là cách tiếp cận của các FTA thế hệ mới và đang trở thành một xu thế trong những năm gần đây trên thế giới. Nếu như vào thời điểm thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1995, mới có 4 FTA có nội dung về lao động thì đến tháng 01 năm 2015, đã có 72 FTA có nội dung về lao động. Đây cũng là một trong những lý do mà sau khi ra Tuyên bố năm 1998 về Những nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động, đến năm 2008, ILO tiếp tục thông qua Tuyên bố về thúc đẩy việc bảo đảm quyền lợi người lao động trong quá trình toàn cầu hóa công bằng (ILO Declaration 2008 on Social Justice for a Fair Globalisation).
Việc đưa nội dung về lao động vào các FTA còn có mục đích bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Một nước duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và các điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng được cho là sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn so với nước thực hiện những tiêu chuẩn cao hơn để bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của người lao động. Do đó, để tránh cạnh tranh không bình đẳng thông qua việc không bảo đảm các điều kiện làm việc cơ bản cho người lao động, các nước tham gia Hiệp định TPP đưa ra những cam kết riêng về lao động trong một chương riêng của Hiệp định.
Các tiêu chuẩn lao động của ILO được áp dụng tại Hiệp định TPP
Hiệp định không đưa ra các tiêu chuẩn mới về lao động. Những tiêu chuẩn được đề cập trong Hiệp định TPP chính là các tiêu chuẩn lao động được nêu tại Tuyên bố năm 1998 của ILO, bao gồm:
· Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động (theo Công ước số 87 và số 98 của ILO)[1].;
· Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc (theo Công ước số 29 và số 105 của ILO);
· Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (theo Công ước số 138 và Công ước số 182 của ILO);
· Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (theo Công ước số 100 và số 111 của ILO).
Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992. Với tinh thần bảo đảm điều kiện lao động tốt nhất cho người lao động, Việt Nam đã chủ động phê chuẩn 5 công ước cơ bản của ILO, bao gồm các công ước số 29, 100, 111, 138 và 182. Với 3 công ước cơ bản còn lại là các Công ước số 87, 98 và 105, Việt Nam đã và đang tiến hành nghiên cứu và chuẩn bị để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn. Theo Tuyên bố năm 1998 của ILO thì các nước thành viên ILO dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các công ước cơ bản nêu trên đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện bốn tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các công ước đó.
Do đó, có thể thấy các yêu cầu về lao động trong TPP cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với các quốc gia thành viên ILO. Là thành viên có trách nhiệm của ILO, Việt Nam luôn khẳng định cam kết tôn trọng thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức này.
Nội dung chính về lao động trong Hiệp định
· Đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động thì về cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của Hiệp định. Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn. Để tương thích với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết TPP cũng như để bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của người lao động, Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện luật pháp và các cơ chế liên quan như: áp dụng chế tài hình sự đối với hành vi sử dụng lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc; cấm phân biệt đối xử về mọi khía cạnh của việc làm và nghề nghiệp; bảo đảm quyền tiếp cận việc làm bình đẳng của phụ nữ, bãi bỏ quy định cấm phụ nữ tham gia vào một số ngành nghề, công việc cụ thể.
· Đối với cam kết về đảm bảo điều kiện lao động liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động, hệ thống luật pháp của Việt Nam về cơ bản đã quy định đầy đủ về những nội dung này nên không có yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung.
· Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định, Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở. Tổ chức của người lao động tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức của người lao động, sau khi hoàn thành việc đăng ký, sẽ có một số quyền tự chủ phù hợp với quy định của ILO và pháp luật Việt Nam. ILO cũng như TPP luôn nhấn mạnh việc tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại cũng như phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký.
· Tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức của người lao động phải bảo đảm theo đúng các tiêu chuẩn của ILO là để đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích của người lao động tại doanh nghiệp mà họ làm việc thông qua các hình thức tương tác được quy định trong pháp luật bao gồm đối thoại, thương lượng tập thể, đình công và các hành động tập thể khác trong quan hệ lao động. Các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích phù hợp với quy định của ILO và đã đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
· Để đại diện, bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích của người lao động như đã nêu trên, Hiệp định cũng bao gồm các nội dung nhằm bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền lợi của người lao động; bảo đảm nghĩa vụ thương lượng thiện chí của người sử dụng lao động khi tiến hành thương lượng tập thể với tổ chức của người lao động về tiền lương và các điều kiện lao động khác cho người lao động.
· Sau một thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định), các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, không trái với các tiêu chuẩn của ILO. Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tổ chức bộ máy để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Việc các nước dành một khoảng thời gian hợp lý để Việt Nam chuẩn bị là việc chưa từng có tiền lệ, thể hiện uy tín của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết về bảo đảm điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động.
· Để bảo đảm thực thi có hiệu quả các nội dung nêu trên, Việt Nam cũng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực của các thiết chế có liên quan như Thanh tra lao động, cơ quan quản lý Nhà nước về công đoàn và quan hệ lao động.
Các bước triển khai tiếp theo
Hiệp định TPP, trong đó có nội dung về lao động, cần được các nước thông qua theo quy trình phê chuẩn Hiệp định riêng của mỗi nước. Thời gian khoảng 2 năm để phê chuẩn Hiệp định là khoảng thời gian để tất cả các nước tham gia chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Hiệp định có thể được thực thi hiệu quả. Riêng Việt Nam sẽ có thêm một khoảng thời gian là 5 năm đối với một số nghĩa vụ cần có sự chuẩn bị chu đáo.
Ngay sau khi các cấp có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định và đề ra các chủ trương thực hiện, Việt Nam sẽ sửa đổi hoặc ban hành các văn bản pháp luật tạo điều kiện cho việc thực thi các nội dung về lao động trong TPP, phù hợp với các quy định của ILO. Trên cơ sở các nguyên tắc được đề ra khi phê chuẩn, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (có thể dưới các hình thức như Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và một số văn bản cần thiết khác) để đảm bảo các nội dung về lao động trong Hiệp định TPP được triển khai đồng bộ với sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, đảm bảo phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn của ILO.
Việc bảo đảm thực thi các nội dung của Hiệp định được bảo đảm bằng nhiều cơ chế khác nhau, trong đó hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật là cơ chế chủ đạo. Với sự hỗ trợ của các đối tác TPP, Việt Nam và ILO sẽ xây dựng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật nhằm triển khai thực thi có hiệu quả các nội dung về lao động được đề cập trong hiệp định.
(vasep.com.vn) Tháng 10/2024, XK tôm Việt Nam đạt 394 triệu USD, tăng 24%. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm mang về 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang tất cả các các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong tháng 10 năm nay.
Trong 30 năm, cá tra Việt Nam đã có mặt ở 150 thị trường cùng nhiều loại cá thịt trắng khác nhờ vào nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam.
(vasep.com.vn) Xuất khẩu thủy sản nuôi trồng của Brazil đã đạt đến mức cao mới trong quý 3 năm 2024, với khối lượng xuất khẩu tăng 158% và giá trị tăng 174% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.031 tấn với giá trị 18,5 triệu USD.
(vasep.com.vn) Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (MAFF) xác nhận rằng Cục Thủy sản (FA) và lực lượng đặc nhiệm đang tăng cường các biện pháp giải quyết tình trạng đánh bắt bất hợp pháp trên toàn quốc trong mùa cấm đánh bắt để bảo tồn nguồn lợi cá.
(vasep.com.vn) Một báo cáo mới từ Pew Charitable Trusts cho rằng cần có phương pháp tiếp cận đa loài trong quản lý nguồn cá để giải quyết tình trạng suy giảm nguồn cá ở Bắc Đại Tây Dương.
(vasep.com.vn) Nhập khẩu cá rô phi của Hoa Kỳ tiếp tục giảm trong tháng 9, với mức giảm đáng kể về khối lượng và giá, chủ yếu là đối với phi lê tươi.
(vasep.com.vn) Thông báo của Phái đoàn EU tại Senegal nêu rõ mối lo này xuất phát từ thiếu sót trong hệ thống giám sát đối với cả tàu cá trong nước và quốc tế hoạt động từ cảng Dakar.
(vasep.com.vn) Tổ chức Pew Charitable Trusts gần đây đã xuất bản một bài báo nêu bật phạm vi quốc tế của Trung tâm giám sát, kiểm soát và giám sát Khu bảo tồn biển Cocos của Costa Rica (MCCA). Trung tâm này, nơi bảo vệ Di sản thế giới của UNESCO, đi đầu trong cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp tại một trong những khu bảo tồn biển quan trọng nhất thế giới.
(vasep.com.vn) Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10 đạt gần 93 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tính luỹ kế 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch XK đạt hơn 821 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội
Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO
Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu
Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn
Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh
Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn
VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn