Khi nông dân và doanh nghiệp cá tra cùng… thua lỗ

Xuất nhập khẩu 10:12 24/08/2023 Bảo Ngọc
Đơn hàng xuất khẩu, giá bán đồng loạt sụt giảm khiến nông dân, doanh nghiệp ngành cá tra rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề. Vậy, doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này đang phải ứng phó với tình trạng suy giảm ra sao?

Nông dân, doanh nghiệp ngành cá tra thua lỗ nặng nề. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15-7, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 942 triệu đô la Mỹ, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này, khiến doanh nghiệp và người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề, thậm chí đã phải đóng cửa nhà máy…

Đơn hàng, giá bán đồng loạt sụt giảm

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Hoàng, một hộ nuôi cá tra ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp xác nhận, giá bán sụt giảm trong khi chi phí nuôi tăng đã khiến nông dân nuôi cá tra đang chịu cảnh thua lỗ. “Giá thành sản xuất cá tra hiện khoảng 26.500-27.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ 26.200-26.500 đồng/kg nên sản xuất không hiệu quả”, ông Hoàng cho biết và tính toán, với mỗi héc ta diện tích, nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL đang phải chịu mức lỗ trên dưới 200 triệu đồng mỗi vụ.

Trong khi đó, tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuỷ sản diễn ra mới đây ở tỉnh Đồng Tháp, bà Võ Phương Thuỷ, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, địa phương chiếm trên 40% diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL, cho biết tình hình sản xuất cá tra hiện gặp rất nhiều khó khăn do giá vật tư đầu vào tăng cao.

Theo đó, nếu 3 tháng đầu năm 2023, nông dân nuôi cá tra ở Đồng Tháp vẫn đạt lợi nhuận bình quân khoảng 1.460 đồng/kg, thì ở thời điểm hiện tại đang phải chịu cảnh thua lỗ, khoảng 547 đồng/kg. Bởi lẽ, giá thành sản xuất bình quân hiện là 26.847 đồng/kg, nhưng giá bán chỉ 26.300 đồng/kg.

Trong khi đó, ở khía cạnh xuất khẩu, thị trường thu hẹp, giá bán sụt giảm trong khi chi phí duy trì hoạt động lại tăng cao, khiến doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rơi vào cảnh lỗ, thậm chí buộc phải đóng cửa nhà máy.

Ông Huỳnh Đức Trung, Giám đốc thường trực Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, thị trường tiêu thụ cá tra đang rất khó khăn ở các thị trường chính như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc. “Bình quân lượng đơn hàng xuất khẩu giảm khoảng 30% cho tất cả các thị trường, trong khi giá bán cũng rớt thê thảm”, ông Trung dẫn chứng.

Còn dẫn chứng từ bà Thuỷ của Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, thị trường xuất khẩu cá tra của 27 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, bình quân giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 2,65 đô la Mỹ/kg so với mức gần 3,2 đô la Mỹ/kg của cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Trung của Vĩnh Hoàn, chi phí nuôi, chế biến và cả xuất khẩu đều tăng. “Ví dụ, giá thức ăn chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất cá tra, nhưng đã tăng cao so với cùng kỳ; chi phí về kiểm soát chất lượng, logistics, lưu kho hàng tồn và cả chi phí tín dụng…, tất cả đều tăng, tạo áp lực lớn cho các đơn vị chế biến, xuất khẩu thuỷ sản”, ông dẫn chứng.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hùng Cá thừa nhận, trước những khó khăn trong việc khai thác thị trường xuất khẩu, đơn vị này đang phải gánh chịu mức lỗ ít nhất 30 tỉ đồng mỗi tháng, kể từ thời điểm tháng 4-2023 đến nay.

Trong khi đó, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho biết, đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua đơn vị này rơi vào cảnh thiếu tiền mặt vì hàng không xuất khẩu được nên ngân hàng không thực hiện giải ngân các khoản vay, dù có tài sản để thấp chấp.

Theo ông Văn, xuất khẩu khó khăn, làm lượng hàng tồn kho tăng cao, dẫn đến chi phí bảo quản hàng hoá của doanh nghiệp tăng cao. “Riêng chi phí điện vận hành kho lạnh, bình quân mỗi tháng là khoảng 4 tỉ đồng”, ông nói.

Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho thấy, tình hình xuất khẩu khó khăn như hiện nay khiến công suất vận hành các nhà máy trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 60% công suất thiết kế. Thậm chí, một số doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động như: chi nhánh Công ty thuỷ sản số 4- Đồng Tâm; Công ty TNHH Thanh Hùng (do Công ty thuỷ sản Trường Giang quản lý); Chi nhánh Công ty TNHH xuất nhập khẩu thuỷ sản APA; Công ty cổ phần Tô Châu ngưng sản xuất và cho thuê lại kho.

Làm gì để vượt qua khó khăn?

Tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ông Trung của Vĩnh Hoàn cho biết, đơn vị này nói riêng và doanh nghiệp ngành cá tra nói chung đang phải thắt chặt tối đa chi phí, cố gồng gánh, cầm cự duy trì sản xuất để giữ chân người lao động, nhất là khi thị trường nhập khẩu (Mỹ- PV) đang tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Về vấn đề kiểm soát chi phí, thậm chí bây giờ chi phí marketing, làm thương mại…, tất cả đều phải giảm hết nhằm đưa giá thành về mức làm sao đáp ứng phù hợp yêu cầu thị trường”, ông Trung dẫn chứng và cho biết, đơn vị này đang cố gắng tìm thêm thị trường, khách hàng mới, chứ thị trường truyền thống dường như đã “đứng”.

Theo ông, về chính sách của Chính phủ cho lĩnh vực thuỷ sản nói riêng và nền kinh tế nói chung đã có như: vấn đề giãn nợ, giảm lãi suất vay, thậm chí có gói tín dụng 15.000 tỉ đồng. “Vấn đề quan trọng hiện nay là phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được cái đó (chính sách- PV) nhanh, thuận lợi nhất”, ông kiến nghị và ví von: “doanh nghiệp hiện đang ở trạng thái thiếu oxi, trong khi oxi nằm đó lại không biết làm sao lấy để thở”.

Còn nhìn về dài hạn, để ngành cá tra phát triển ổn định, theo ông Trung, cần phải giải quyết vấn đề khó hiện nay, đó là con giống.

Theo ông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chương trình giống được triển khai cách đây khoảng 5 năm và hiện cũng dần hình thành, cả về chọn lọc cá bố mẹ; cải tạo gen; tăng trưởng; kháng bệnh… “Tuy nhiên, cái khó hiện nay là doanh nghiệp lớn chỉ làm cơ sở nền, tức sản xuất tới cá bột, trong khi quỹ đất để ương, nuôi giống phụ thuộc vào hộ gia đình, có quy mô nhỏ lẻ, không kiểm soát được chất lượng”, ông nêu thực trạng.

Chính vì vậy, cần làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch nuôi trồng, tiêu thụ cũng như kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi lẽ, đây là cơ sở để được cấp chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm cho toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng.

Ông Phan Thành Mãi, Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Quốc Tế cho rằng, vấn đề quan trọng của ngành cá tra nói riêng và nông nghiệp nói chung, đó là cần cung cấp thông tin tốt nhất của ngành hàng từ phía chính quyền và hiệp hội.

“Ví dụ, trong ngành thuỷ sản, khi chúng ta có đủ lượng thông tin về sản lượng hàng tháng, hàng quí, nhu cầu thị trường…, thì khi người chăn nuôi, nhà máy có đủ thông tin sẽ tránh được tình trạng sản xuất dư thừa, tức ngành hàng sẽ ổn định hơn”, ông dẫn chứng.

Bên cạnh đó, theo ông Mãi, chi phí thức ăn chiếm 70% giá thành sản xuất, nhưng lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, khiến giá thành tăng cao. “Vậy tại sao chúng ta không sản xuất để tự phục vụ, vừa giúp giải quyết câu chuyện lao đao do bán không được, vừa từng bước kéo giảm giá thành sản xuất?”, ông nêu câu hỏi.

Ông Hùng của Hùng Cá thì kiến nghị, lãnh đạo địa phương cùng các đơn vị có liên quan nên có phương án cho doanh nghiệp được nợ tiền bảo hiểm xã hội 3-6 tháng. “Riêng tiền bảo hiểm, hiện nay mỗi tháng chúng tôi phải đóng hơn 3,9 tỉ đồng”, ông dẫn chứng.

Ông Văn của Công ty thuỷ sản Trường Giang cho rằng, để sản xuất được 1kg cá tra nguyên liệu hiện cần đến hơn 1,7kg thức ăn (trước đây khoảng 1,55kg – PV), khiến giá thành sản xuất lên đến 1,2 đô la Mỹ/kg. Trong khi đó, giá thành của các loại cá đang cạnh tranh trực tiếp với cá tra như cá minh thái Alaska chỉ 1 đô la Mỹ/kg. “Do đó, vấn đề hiện nay phải có sự hỗ trợ bằng mọi cách để kéo giá thành xuống”, ông gợi ý và đề xuất, Bộ Tài Chính nên xem xét đưa giá nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về 0%, thay vì là 2% như hiện nay.

Theo ông Văn, hiện đơn vị này cũng thực hiện tiết giảm tối đa các chi phí trong duy trì hoạt động doanh nghiệp như: việc tối ưu chi phí điện chạy kho lạnh bằng cách giảm thiểu thời gian vận hành vào khung giờ cao điểm. “Điều này, giúp chúng tôi tiết kiệm mỗi tháng được 200-300 triệu đồng”, ông dẫn chứng.

Bảo Ngọc (Theo Kinh tế Sài Gòn)

ca tra

TIN MỚI CẬP NHẬT

HEADWAY JSC tăng trưởng phi mã sản lượng vận chuyển mực, bạch tuộc sang Mỹ

 |  10:10 29/06/2024

Trong nửa đầu năm 2024, Headway ghi nhận một sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong xuất khẩu mực và bạch tuộc sang Mỹ. Cụ thể, thị trường này tăng 596,42% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, Đài Loan trước đó là thị trường dẫn dầu, giảm 60,11% so với giai đoạn cùng kỳ.

Giá bán lẻ cá tươi và thủy sản có vỏ tại Mỹ giảm trong tháng 5/2024

 |  08:31 28/06/2024

(vasep.com.vn) Theo báo cáo tháng 5 của 210 Analytics, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Florida, giá bán lẻ trung bình theo pound cho hải sản tại Mỹ giảm là nhờ sự dẫn đầu của cá thịt tươi và động vật có vỏ. So với ngành hàng thực phẩm và đồ uống nói chung, giá hải sản này có mức lạm phát thấp hơn đáng kể.

Peru: Sản lượng khai thác cá cơm tăng trong tháng 4/2024

 |  08:30 28/06/2024

(vasep.com.vn) Tháng 4/2024, nền kinh tế Peru tăng trưởng 5,28%, chủ yếu nhờ lĩnh vực thủy sản bùng nổ với mức tăng trưởng 158%. Sau 14 tháng kết quả tiêu cực, lĩnh vực sản xuất cũng ghi nhận mức tăng trưởng.

Giá thủy sản sụt giảm tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam

 |  08:25 28/06/2024

(vasep.com.vn)  Yếu tố thị trường đang chi phối giá XK và giá nguyên liệu thủy sản của Việt Nam. Nhu cầu của các thị trường hồi phục chậm, trong khi cạnh tranh các nguồn cung lại tăng, nên giá XK đi hầu hết các thị trường đều giảm. Trong tháng gần đây nhất là tháng 5, tôm là mặt hàng bị tác động giảm giá rõ rệt nhất, nên XK đã giảm 2,3%, trong đó riêng tôm chân trắng giảm 7%, tôm sú giảm 6%. Các sản phẩm khác như chả cá, surimi cũng bị áp lực cạnh tranh về giá nên giảm sâu 25% trong tháng 5 và lũy kế 5 tháng đầu năm giảm 15%.

Góp ý Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

 |  16:54 27/06/2024

Kính gửi: Ban lãnh đạo Quý Doanh nghiệp/Hiệp hội

Nhiều tiềm năng cho sản xuất protein thay thế trong thức ăn thủy sản

 |  08:51 27/06/2024

(vasep.com.vn) Sau khi thu hút được nguồn tài trợ mới đáng kể, Enifer và Kuehnle Biosciences đang hướng tới việc đóng vai trò lớn hơn trong lĩnh vực thay thế thức ăn thủy sản.

Infographic: Xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024

 |  08:47 27/06/2024

(vasep.com.vn) 5 tháng đầu năm 2024, XK mực và bạch tuộc của Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là do XK mực giảm 5%. XK nhóm sản phẩm này sang các thị trường chính phần lớn đều giảm.

Long An: Tình hình tiêu thụ cá tra thuận lợi

 |  08:41 27/06/2024

(vasep.com.vn) Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, ít xảy ra các loại dịch bệnh, tình hình tiêu thụ thủy sản nuôi có chiều hướng chuyển biến tích cực.

Thông tin về Chương trình Chứng nhận Khai thác Nhật Bản theo Quy định IUU của EU (Số 1005/2008)

 |  16:43 26/06/2024

(vasep.com.vn) Cộng đồng Châu Âu (EC) chính thức thông qua Quy định của Hội đồng (EC) số 1005/2008 ngày 29/9/2008, thiết lập một hệ thống Cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (sau đây gọi là Quy định IUU). Quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.

Mỹ mở rộng lệnh cấm đối với thủy sản Trung Quốc

 |  08:55 26/06/2024

(vasep.com.vn) Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã đưa thêm một nhà chế biến thủy sản lớn của Trung Quốc vào danh sách các công ty bị cấm xuất khẩu sang Mỹ do lo ngại về vấn đề lao động cưỡng bức, đồng thời cũng đóng cửa đối với một nguồn cung chính chế biến tôm đỏ Argentina.

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC