Hoạt động vận động chính sách của VASEP 20 năm - một chặng đường phát triển

Chính sách 14:58 24/06/2018
Nhìn lại 20 năm với những thành tích đáng nhớ, Mạng lưới VĐCS cùng tập thể các cán bộ của Văn phòng Hiệp hội luôn tự hào vì đó là hành trình 20 năm tiến bước luôn in đậm dấu chân các nỗ lực, phấn đấu của toàn Hiệp hội, đó là hành trình của sự đoàn kết gắn bó của các DN và thành viên trong Mạng lưới VĐCS, sự tâm huyết và lòng yêu nghề của từng cán bộ VP Hiệp hội. Hai mươi năm đã qua, những người con dưới mái nhà chung của Hiệp hội đã, đang và sẽ chung sức vượt qua gian khó, đoàn kết, tự tin, vững bước tương lai để đưa hoạt động VĐCS đến những thành công mới.

20 NĂM NHÌN LẠI

I) Giai đoạn 1998-2007: ngành thủy sản phát triển dựa trên tài nguyên, đầu tư và những nỗ lực hội nhập nhiều thách thức

Trước nhu cầu của thực tiễn và mong muốn của cộng đồng DN, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chính thức được thành lập vào tháng 6/2018. Giai đoạn 9 năm kể từ khi VASEP thành lập (1998) đến năm 2007 là giai đoạn khá sơ khai mà ngành và các doanh nghiệp (DN) thủy sản phát triển còn chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có và sau đó là một quá trình đầu tư không nhỏ đặc biệt là từ khu vực tư nhân, trong bối cảnh còn hội nhập hạn chế. Đặc thù của giai đoạn này là:

- Hoạt động XK thủy sản phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại do Việt Nam chưa chính thức hội nhập được nhiều vào nền kinh tế thế giới. Những hàng rào kỹ thuật và thương mại ngày càng chặt chẽ với các qui định ngặt nghèo về dư luợng kháng sinh, về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản, về kiểm dịch;

- Công tác thông tin thị trường và năng lực tiếp thị trường còn non trẻ, thiếu phương tiện, bị động và thiếu các thông tin dự báo thị trường.

- Công nghiệp & công nghệ chế biến từ lạc hậu đã được đầu tư mạnh mẽ ở giai đoạn này, tuy nhiên năng lực về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) còn chưa cao, sản phẩm XK chủ yếu ở dạng nguyên liệu sơ chế.

- Thiếu nguyên liệu cho CBXK: Hệ thống các nhà máy chế biến phát triển thiếu quy hoạch, không tương đồng với năng lực sản xuất nguyên liệu đã kéo theo tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến, cả về lượng và chất. Giai đoạn này, đa số các nhà máy chỉ phát huy được 40-50% công suất thiết kế. Bộ Thuỷ sản và VASEP chưa đề xuất được với Chính phủ chính sách cụ thể để khuyến khích việc nhập khẩu nguyên liệu, bổ sung cho nguồn sản xuất trong nước.

- Chi phí sản xuất và kiểm nghiệm quá cao: Thiếu nguyên liệu khiến giá nguyên liệu tăng cao, tất cả các loại chi phí sản xuất trực tiếp và gián tiếp đều tăng, phí dịch vụ vận tải cao, phí kiểm nghiệm, kiểm tra ATVS vào hàng cao nhất thế giới; do năng lực của cơ quan thẩm quyền bị quá tải, thời gian chờ đợi kiểm tra lô hàng quá dài, làm mất thời cơ, khiến cho hiệu quả hoạt động của các DN bị giảm sút;

- Việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, tệ nạn bơm chích tạp chất vào tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long phát sinh và gia tăng.

- Quá trình chuyển đổi cơ cấu của ngành thủy sản nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung cũng như sự yếu kém và trì trệ trong một bộ phận các cơ quan quản lý Nhà nước đã tạo ra các rào cản không đáng có cho DN.

- Môi trường kinh doanh của Việt Nam còn chưa được cải thiện nhiều với không ít các bất cập, rào cản bất hợp lý ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN

Một trong các chức năng chính của Hiệp hội là phối hợp các hoạt động giữa các DN trong ngành nhằm đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hội viên, làm cầu nối giữa DN hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước, xử lý kịp thời các kiến nghị của hội viên, phổ biến và hướng dẫn hội viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Chức trách trên ngay từ ban đầu đã được Hiệp hội đảm nhiệm như một hoạt động hành chính thường xuyên. Từ ngay sau khi thành lập, Hiệp hội đã thường xuyên tập hợp các ý kiến, nguyện vọng của Hội viên, đề xuất và kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thủy sản, Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, VCCI và một số cơ quan khác, đề xuất giải pháp phát triển sản xuất thuỷ sản, giảm bớt phiền hà cho DN. Một số kiến nghị đã được các cơ quan tiếp thu giải quyết

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng chủ động phổ biến và hướng dẫn hội viên thực hiện tốt các quy định, chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Những kết quả đạt được trong giai đoạn từ khi Hiệp hội thành lập đến năm 2007 đã được các DN và các bên ghi nhận, góp phần giải quyết được nhiều tồn tại vướng mắc trong các thủ tục hành chính (TTHC) cũng như thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thủy sản. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành thủy sản, hoạt động đối thoại chính sách ngày càng đa dạng, mở rộng thêm nhiều hình thức, nhiều lĩnh vực với nhiều đối tác khác nhau.

Một số kết quả tiêu biểu của giai đoạn 1998-2007:

1. Về hoạt động hợp tác với các bên:

a. Hiệp hội đã tích cực phối hợp với các DN và cơ quan quản lý địa phương triển khai các chương trình hành động như Chương trình chống đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản thông qua các cam kết tập thể của DN, chủ nậu vựa, ngư dân; Chương trình chống sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm (đặc biệt là Malachit Green, Chloramphenicol, nhóm Nitrofurans,...), Chương trình áp dụng đúng các quy định về ghi nhãn hàng hóa và chính sách thuế,...

b. Hiệp hội đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các CQ QLNN: với Tổng cục Hải quan (30/1/2003); với Bộ NN&PTNT (28/7/2007)…..

2. Về góp ý, phản biện, kiến nghị chính sách pháp luật: Hiệp hội đã tham gia góp ý hàng loạt văn bản quản lý của Bộ Thủy sản, Bộ NNPTNT và các Bộ ngành khác với trên 60 nội dung như góp ý cho dự thảo Luật Thủy sản, Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa, Luật Bảo vệ Môi trường, ... và các văn bản hướng dẫn dưới luật, các văn bản về những vấn đề trọng điểm của ngành như quản lý hóa chất, kháng sinh dùng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, ngăn chặn đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản, quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP, quy chế kiểm tra và chứng nhận chất lượng, vệ sinh ATTP hàng thủy sản, các quy định về chính sách thuế, thủ tục hải quan, đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh,... Trong đó, hơn 60% các kiến nghị, góp ý đã được các cơ quan Nhà nước tiếp thu và sửa đổi.

3. Về thông tin, truyền thông:

a. Ngày 28/8/2003, VASEP và Ban Kinh tế Khoa học và Công nghệ (KTKHCN) - Đài Tiếng nói Việt Nam - đã ký thỏa thuận hợp tác tuyên truyền để VASEP cung cấp Bản tin ngày cho Ban KTKHCN để phát trên sóng VOV1 trong Chương trình dành cho ngư dân và Chương trình Thủy sản Việt Nam

b. Hiệp hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hội thảo hướng dẫn về thuế GTGT và chính sách thuế áp dụng cho DN, thủ tục hải quan, chống đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản, không sử dụng kháng sinh cấm trong thủy sản.

II) Giai đoạn 2007 - 2013: Hội nhập sâu rộng

Ngày 11/1/2007, Quốc hội nước CHXH CN Việt Nam chính thức phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO. Với việc gia nhập WTO, việc mở cửa thị trường đã đem lại nhiều lợi ích và chuyển biến tích cho nền kinh tế nói chung, ngành thủy sản nói riêng. Đồng thời trong thời gian này, Chính phủ cũng định hướng tái cơ cấu các Bộ quản lý ngành theo hướng chuyển từ Bộ quản lý đơn ngành sang mô hình Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực để giảm bớt sự chồng chéo, chia cắt giữa các Bộ. Tháng 8/2007, Quốc hội đã phê chuẩn việc hợp nhất Bộ Thuỷ sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Đây là các cột mốc đánh dấu việc nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành thủy sản nói riêng chuyển mình sang một giai đoạn mới – giai đoạn Hội nhập sâu rộng vào nền Kinh tế thế giới. Trong giai đoạn từ năm 2007 – 2013, ngành thủy sản Việt Nam đã phát triển mạnh với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao nhưng đồng thời cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức không hề nhỏ:

- Môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính còn chậm chuyển biến theo hướng hỗ trợ SX và DN.

- Các hệ lụy của đợt khủng hoảng kinh tế 2011 – 2013 ảnh hưởng xấu đến các DN thủy sản dẫn đến một số DN phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng hoặc chuyển đổi chủ sở hữu.

- Sự hợp tác, liên kết giữa các đơn vị trong nội bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản cũng như giữa các DN và các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu đã cải thiện rõ rệt.

- Sự gia tăng đòi hỏi và yêu cầu của nhà nhập khẩu về các loại chứng nhận bền vững. Các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt dần và các khách hàng quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chí bảo vệ môi trường trong sản xuất.

- Thị trường ngày càng khắt khe: Các chỉ tiêu về vệ sinh ATTP, về chất lượng, về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, khả năng truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN ngày càng chặt chẽ. Xu hướng giá giảm trên thế giới đối với thuỷ sản nuôi và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các quốc gia khiến tranh chấp về thị trường ngày càng gay gắt, bên cạnh các chính sách bảo hộ, các vụ kiện chống bán phá giá, các chiến dịch ”bôi bẩn” trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ngay sau khi Bộ Thủy sản hợp nhất vào Bộ NNPTNT, Hiệp hội đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác chính thức giữa Hiệp hội với Bộ NN&PTNT vào ngày 28/7/2007. Thỏa thuận Hợp tác này là một bước tiến lớn, khẳng định vai trò đối tác của VASEP với Bộ quản lý ngành, thiết lập khuôn khổ, nội dung và phương thức hợp tác giữa hai bên.

Bên cạnh đó, để phù hợp với tình hình mới, Hiệp hội đã quyết định chuyển văn phòng chính vào Tp. Hồ Chí Minh và tái cơ cấu lại tổ chức. Với việc tái cơ cấu này, để chuyên môn hóa sâu hơn các hoạt động đầu mối về vận động chính sách (VĐCS), ngày 20/9/2007, Hiệp hội đã thành lập Ủy ban Đối ngoại và Quan hệ Chính phủ (ĐNQHCP).

Hiệp hội cũng thành lập Nhóm Chuyên trách công tác Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của VASEP và đồng thời là thành viên của Hội đồng Tư vấn CCTTHC. Nhóm Công tác VASEP đã tham gia cùng với Hội đồng tư vấn CCTTHC trong việc rà soát nhiều TTHC liên quan đến lĩnh vực: Hải quan, Thuế, Xuất nhập khẩu (XNK), Quản lý ATTP.

Một số kết quả tiêu biểu của giai đoạn 2007-2013:

1. Về hoạt động hợp tác với các bên:

a. Năm 2008-2009, VASEP đã tổ chức các Nhóm Công tác đi khảo sát trực tiếp tại một số tỉnh để tìm hiểu về khó khăn của DN khi thực hiện các TTHC liên quan tới XNK, hải quan và thuế, tập hợp các ý kiến kiến nghị của các DN thành văn bản gửi các cơ quan chức năng.

b. Ngày 27/10/2008 tại TP Hồ Chí Minh, tổ chức Hội nghị “Đối thoại về CCTTHC” giữa Hiệp hội, các DN thủy sản với Tổ Công tác chuyên trách về CCTTHC của Chính phủ và Hội đồng Tư vấn CCTTHC để trực tiếp phản ánh các khó khăn về TTHC đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thuỷ sản và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

c. Tích cực tham gia vào Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ về CCTTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010 và đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích tham gia Đề án 30 theo Quyết định 23/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 06/1/2011.

d. Phối hợp với Hiệp hội Da Giầy, Hiệp hội May mặc và Tổng Cục Hải quan tổ chức hội thảo về cải cách thủ tục hải quan trong lĩnh vực hàng gia công và góp ý sửa đổi Thông tư 116/2008/TT-BTC ngày 4/12/2008 và Thông tư 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế XNK và quản lý thuế đối với hàng hoá XNK của Bộ Tài chính.

e. Tích cực tham gia hoạt động của Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng Sông Cửu Long, tham gia các hoạt động của Hội đồng Tư vấn Quốc gia và Chương trình Thương hiệu Quốc gia, Hội đồng KHCN Tư vấn nhiệm vụ nghiên cứu Khoa học cấp bộ, tham gia Hội đồng Tư vấn Cấp cao Việt - Mỹ, Việt – Pháp,...

f. Định kỳ tổ chức hội nghị giao ban với Bộ trưởng Bộ NNPTNT và với Tổng cục Thủy sản và thường xuyên tổ chức gặp gỡ và trao đổi thông tin với các tham tán Thương mại Việt Nam trước khi họ ra nước ngoài tiếp nhận nhiệm vụ và thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường qua kênh này.

2. Về góp ý, phản biện, kiến nghị chính sách pháp luật:

a. Hiệp hội đã góp ý hoặc tham gia rà soát nhiều dự thảo Luật, quy định, TTHC cần tháo gỡ nhanh với trên 90 nội dung khác nhau, giúp hoạt động của các DN thuỷ sản đỡ khó khăn hơn, đặc biệt là những vấn đề “nóng”, tập trung vào 3 nhóm chính: làm tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh; gây phiền hà, cản trở hoạt động của DN; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.

b. Trên 70% các góp ý, kiến nghị của Hiệp hội đã được các cơ quan quản lý tiếp thu, sửa đổi, nổi bật trong đó là các nội dung sau:

- Các bất cập trong lĩnh vực hải quan: Tạo điều kiện để thông quan nhanh; bỏ qui định khai báo định mức nguyên liệu tạm tính, bỏ qui định cứng thời hạn tái xuất đối với sản phẩm bị nước ngoài trả về; bỏ qui định Tờ khai nhập khẩu trước, cho phép Tờ khai nào đủ điều kiện thanh khoản sẽ được thanh khoản trước, bãi bỏ qui định áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với DN nhập khẩu thủy sản làm nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu; …

- Các bất cập trong lĩnh vực kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu: bỏ qui định lô hàng thủy sản nhập khẩu phải được sản xuất bởi cơ sở sản xuất có tên trong danh sách được Việt Nam công nhận; các lô hàng thủy sản nhập khẩu chỉ chịu sự kiểm tra của một cơ quan kiểm tra duy nhất; rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận,…

- Các bất cập trong kiểm tra điều kiện sản xuất, chứng nhận chất lượng cho lô hàng xuất khẩu: Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT đã được Bộ NNPTNT ban hành ngày 3/8/2011 sau đó là Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 thay thế  Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT để sửa đổi nhiều bất cập về các quy định trong kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu,…

- Các bất cập trong bảo vệ môi trường: miễn phí bảo vệ môi trường đối với bao bì PE bao gói hàng XK, ban hành QCVN riêng cho nước thải chế biến thủy sản (QCVN 11:2008),...

- Các bất cập trong lĩnh vực thuế: chấp thuận mức phí kiểm dịch nguyên liệu thủy sản nhập khẩu theo đề xuất của Hiệp hội; lùi thời gian hạn chế cho vay ngoại tệ đến 31/12/2012; một số mức thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để SXXK được sửa đổi;...

III) Giai đoạn 2014  đến nay: Hợp tác, liên kết và trách nhiệm cộng đồng

 Việt Nam đã bước vào một thời kỳ mới – giai đoạn Hợp tác và Phát triển - với việc nền kinh tế dần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và vận hành hướng tới phát triển bền vững hơn thể hiện ở các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Giai đoạn này là giai đoạn sự phát triển của ngành được dựa trên nền tảng Hợp tác, Liên kết chặt chẽ, có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cũng phải chịu nhiều thách thức lớn:

- Cạnh tranh toàn cầu giữa các quốc gia và cạnh tranh giữa các DN Việt Nam càng ngày càng gay gắt hơn.

- Các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt và môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm hơn. Các quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế đưa ra nhiều quy định không chỉ còn liên quan đến ATTP mà liên quan đến vấn đề bảo vệ nguồn lợi, an sinh động vật như quy định về IUU của EU, Hoa Kỳ, chứng nhận ghi nhãn “An toàn cho cá heo” đối với sản phẩm cá ngừ thương mại,…

- Các vấn đề về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ an sinh động vật ngày càng được quan tâm. Nhiều khách hàng và người tiêu dùng đòi hỏi nhà sản xuất phải cung ứng các sản phẩm được chứng nhận bền vững như ASC, MSC, BAP, GLOBAL G.A.P, FSSC 22000,…

- Môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn chậm chuyển biến nhưng đã có nhiều cải thiện và được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ thể hiện qua việc các Nghị quyết 19 được ban hành hàng năm kể từ năm 2014.

- Nhiều Hiệp định giữa VN và các nước, các khu vực được đẩy mạnh: VCUFTA, Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam – EU (EV FTA), CPTPP,… và đang đàm phán các Hiệp định Việt Nam – EFTA, Việt Nam – Ixraen; cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng được chính thức thành lập ngày 31/12/2015.

Với sự thay đổi của tình hình kinh tế xã hội trong bối cảnh trên, BCH HH đã xác định hoạt động VĐCS là hoạt động quan trọng và ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Và để huy động được nhiều sự tham gia chủ động của các DN vào các hoạt động kiến nghị và đề xuất chính sách với nhà nước, tháng 11/2013, VPHH đã có CV 251/2013/CV-VASEP gửi các DN hội viên về việc cử cán bộ phụ trách chuyên môn tham gia Mạng lưới Vận động Chính sách (VĐCS) của VASEP. Ngày 02/01/2014, Hội nghị đầu tiên của Mạng lưới VĐCS được tổ chức thành công tại VPHH để thống nhất các nội dung và phương thức hoạt động của Mạng lưới.

Ngay khi thiết lập, mạng lưới VĐCS mới có hơn 120 cán bộ chuyên môn của 69 DN tham gia vào 2 nhóm thuộc hai nhóm lĩnh vực quan trọng là Thuế - Hải quan và Chất lượng – ATTP thì đến đầu năm 2018, mạng lưới VĐCS đã bao gồm đại diện của trên 170 DN với bốn nhóm hoạt động là Thuế - Hải quan, Chất lượng – ATTP, Lao động – tiền lương và Môi trường, mỗi nhóm có từ khoảng 50 – 100 thành viên.

Ông Nguyễn Công Bẩy – Giám đốc Chất lượng Công ty TNHH Hải Vương đã đánh giá về hoạt động VĐCS của VASEP: “Thực sự là VASEP đã làm được rất nhiều cho DN, tiếng nói của Hiệp hội VASEP rất có trọng lượng và tập trung được sức mạnh của các DN thủy sản. VASEP chính là đầu tàu cho sự đấu tranh vì lợi ích hợp pháp của DN, tránh bị các thủ tục gây phiền nhiễu, cản trở hoạt động”.

Một số kết quả tiêu biểu giai đoạn 2014 đến nay:

1. Về hoạt động hợp tác với các bên:

a. Tham gia & phối hợp tích cực các hoạt động của các CQ QLNN: VASEP cùng Hội đồng Tư vấn CCTTHC triển khai chương trình lấy ý kiến & đánh giá về công tác thực hiện CCTTHC của Bộ NNPTNT ở 2 lĩnh vực là kiểm tra ATTP và kiểm dịch thủy sản (2013-2014); VASEP cùng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) & Bộ NNPTNT khảo sát & đánh giá về tác động của các mức phí và lệ phí (2017); cùng Hội đồng Tiền lương Quốc gia khảo sát & đánh giá tác động việc tăng lương tối thiểu vùng đối với DN (2018) ….

b. Tham gia & đề xuất nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và các nội dung trong các Nghị quyết 19 hàng năm của Chính phủ, tích cực tham gia trong các hoạt động của Hội đồng Tư vẫn CCTTHC để rà soát các TTHC liên quan đến các lĩnh vực ”nóng” của ngành thủy sản như Hải quan, Thuế, Thương mại – XNK, kiểm tra chuyên ngành,...

c. Chủ động và tích cực tham gia trong các cuộc Đối thoại với Chính phủ và các CQ QLNN để cùng bàn giải pháp giải quyết các bất cập, vướng mắc của DN: đối thoại với Bộ Y tế về quy định sử dụng muối có I-ốt trong chế biến thực phẩm (13/3/2017); đối thoại giữa các Bộ ngành với VASEP do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 13/5/2017; đối thoại giữa đại diện một số Hiệp hội DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm, CIEM, VCCI với các Bộ, ngành liên quan về những bất cập trong quản lý ATTP đối với các DN do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì (8/9/2017); đối thoại giữa Bộ TNMT, Bộ NNPTNT với VASEP và các DN thủy sản về các vướng mắc trong lĩnh vực xử lý nước thải & bảo vệ môi trường (17/4/2018); các cuộc Đối thoại giữa Bộ NNPTN với VASEP và DN về chống khai thác bất hợp pháp IUU…

d. Xây dựng mạng lưới phối hợp với các Hiệp hội khác trong việc góp ý các chính sách liên quan như với Hiệp hội Da giày VN, Hiệp hội Dệt may VN, Hiệp hội Điện tử trong việc kiến nghị về các chính sách lao động, tiền lương, BHXH, kinh phí công đoàn; phối hợp với HH Sữa VN, Hiệp hội Chè VN, AMCHAM, EUROCHAM, VCCI, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) trong việc kiến nghị sửa đổi các bất cập của Nghị định 38/2012/NĐ-CP về ATTP.

e. Tiếp tục duy trì việc tham gia các hội nghị chuyên đề với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và  Tổng Cục Thủy sản, cũng như tổ chức gặp gỡ và trao đổi thông tin với các tham tán Thương mại Việt Nam trước khi họ ra nước ngoài tiếp nhận nhiệm vụ.

f. Chủ động và tích cực tham gia, chung tay cùng Bộ NNPTN trong triển khai các hoạt động khắc phục khuyến nghị của EU về thực hiện IUU tại Việt Nam (thành lập Ban điều hành IUU VASEP, thông qua kế hoạch hành động của chương trình chống khai thác IUU, tổ chức và thực hiện chương trình “DN hải sản cam kết chống khai thác IUU”, ký thỏa thuận với Bộ Tư lệnh Cảnh sản biển, .... trong phối hợp thực hiện các hoạt động, tham gia cùng đoàn của Bộ NNPTNT sang làm việc với EU và DG-MARE (T3/2018), phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức buổi Họp báo “Nỗ lực & cam kết của Việt Nam chống lại khai thác IUU” (ngày 25/4/2018) tại Hội chợ Thủy sản Toàn cầu...

g. Duy trì việc tổ chức họp định kỳ Hội nghị Mạng lưới VĐCS hàng năm để đánh giá kết quả triển khai công tác VĐCS trong năm, định hướng hoạt động VĐCS trong năm tiếp theo.

2. Về góp ý, phản biện, kiến nghị chính sách pháp luật: Hiệp hội đã góp ý hoặc tham gia rà soát nhiều quy định, TTHC với trên 100 nội dung khác nhau liên quan đến Chính phủ và 7 Bộ ngành (NNPTNT, Y tế, LĐ-TBXH, TN-MT, Tài chính, Công Thương và Tư  pháp). Hơn 80% các góp ý, kiến nghị của Hiệp hội đã được các cơ quan QLNN tiếp thu, sửa đổi, trong đó nổi bật là các kết quả sau

a. Các vấn đề về chất lượng, ATTP, kiểm dịch:

- Bộ NNPTNT đã ban hành TT 02/2017/TT-BNNPTNT sửa đổi một số điều của Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT với nhiều cải cách hỗ trợ cho DN như rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận chất lượng, VSATTP và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP, giảm chỉ tiêu kiểm tra mẫu vệ sinh công nghiệp, giảm tỷ lệ lấy mẫu cho các DN ưu tiên, giảm thời gian nhận hồ sơ,….

- Chính phủ đã ban hành NĐ 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP, theo đó đã thay đổi cơ bản phương thức QLNN về ATTP, chuyển nhiều thủ tục từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cởi trói nhiều TTHC không cần thiết cho DN.

- Chính phủ đã ban hành NĐ 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra để thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP đồng thời Bộ NN ban hành Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT về QCVN 02-27:2017/TT/BNNPTNT “sản phẩm thủy sản c cá tra phi lê đông lạnh”, theo đó đã giải quyết 3 vướng mắc của DN: quy định về hàm ẩm tối đa được tăng lên 86%, tỷ lệ mạ băng tối đa được tăng lên 20% và DN không còn phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra.

- Đề xuất và kiến nghị Bộ NNPTNT cho phép DN đưa hàng về kho riêng bảo quản để chờ kết quả kiểm dịch trước khi thông quan; cho phép các DN hải sản được đăng ký cấp Giấy C/C tại các tỉnh mà DN có nhà máy chế biến.

b. Các vấn đề về thuế và phí: miễn thuế cho hàng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu tại Luật thuế Xuất khẩu - Nhập khẩu được Quốc hội thông qua tháng 4/2016; Kiến nghị về mức phí, lệ phí quy định tại các Thông tư ban hành năm 2016 trong công tác thú y, khai thác thủy sản và ATTP đã được Bộ Tài chính tiếp thu và điều chỉnh giảm xuống mức phù hợp (Vd: TT44/2018/TT-BTC); Đề xuất và kiến nghị thành công để Bộ TNMT ra văn bản hướng dẫn không thực hiện thu phí bảo vệ môi trường các chỉ tiêu không có trong QCVN nước thải chế biến thủy sản,...

c. Tham gia tích cực trong các tham vấn liên quan với Đoàn đàm phán của Chính phủ trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại song-đa phương (EVFTA, TPP, VKFTA...

d. Các vấn đề về thủ tục hải quan: Kiến nghị tháo gỡ được nhiều các quy định và thủ tục hành chính trong thủ tục hải quan như nộp thuế GTGT hàng trả về; không phải làm Báo cáo quyết toán cho hàng NK để SXXK vào cuối 2015,...

e. Các vấn đề về môi trường: Kiến nghị sửa đổi thay thế QCVN 11:2008 về các chỉ tiêu nước thải và thủ tục kiểm tra (thay thế bằng QCVN 11:2015); đã kịp thời gửi Quốc hội và Chính phủ kiến nghị xem xét lại công nghệ xử lý nước thải, công tác giám sát xả thải của Nhà máy giấy Lee& Man tại Hậu Giang. Theo đó, ngày 5/7/2016, VPCP đã gửi công văn số 5510/VPCP-KGVX tới  Bộ TN-MT, UBND tỉnh Hậu Giang nêu chỉ đạo của Thủ tướng CP Nguyễn Xuân Phúc sau khi xem xét Báo cáo số 72/BC-UBND của UBND tỉnh Hậu Giang và CV số 91/2016/CV-VASEP ngày 16/6/2016 của VASEP về Dự án này.

CHẶNG ĐƯỜNG MỚI

Các vấn đề còn tồn tại

Bên cạnh những thuận lợi và thành tích đã đạt được, trong 20 năm qua hoạt động VĐCS của Hiệp hội cũng gặp nhiều khó khăn và còn một số tồn tại:

1. Phân bổ nguồn lực của các DN thành viên trong Hiệp hội để chia sẻ công việc chung là chưa đồng đều và trong nhiều trường hợp là chưa kịp thời để tạo ra được tiếng nói chung có sức lan tỏa tốt.

2. Trong thời gian qua, dù có nhiều nỗ lực nhưng những đề xuất và sáng kiến của Hiệp hội về các chính sách mới còn ít. Các hoạt động chủ yếu vẫn là công tác góp ý, kiến nghị và phản biện chính sách.

3. Một số đề xuất, kiến nghị do các DN đưa ra vẫn còn chung chung, chưa có các dẫn chứng và dữ liệu cụ thể (chưa nêu rõ khó khăn, vướng mắc do quy định cụ thể tại điểm nào của văn bản nào, chưa có các số liệu cụ thể trong thực tiễn SXKD, kết quả nghiên cứu, phân tích, quy định quốc tế,…) và chưa đề xuất giải pháp sửa đổi cụ thể khiến quy trình & thời gian kiến nghị mất nhiều thời gian hơn.

Hướng đi mới và Đề xuất

Để khắc phục các tồn tại trên, thúc đẩy hoạt động VĐCS của Hiệp hội trong thời gian tới, rất cần các DN đồng lòng sát cánh cùng Hiệp hội trong các chương trình, hoạt động của Hiệp hội. Với sứ mệnh và chức năng của một Hiệp hội DN là xây dựng cộng đồng DN lớn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng và phối hợp các nỗ lực và sự hợp tác của cộng đồng DN với Nhà nước để thực hiện những công việc chung, VASEP vẫn kiên định mục tiêu cho chặng đường sắp tới là “Sát cánh, đồng hành cùng DN trong công tác góp ý, phản biện và đề xuất các chính sách pháp luật” theo các định hướng sau: 

1. Tính Chung tay: Hiệp hội luôn thể hiện là một thành viên tích cực của Hội đồng Tư vấn CCTTHC và các Tổ Công tác của các cơ quan Quản lý Nhà nước để chung tay cùng Chính phủ và các Bộ ngành gỡ bỏ các rào cản về TTHC, chính sách pháp luật bất hợp lý cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đáp ứng yêu cầu sản xuất phát triển bền vững.

2. Tính Đề xuất: ngoài việc góp ý, kiến nghị, phản biện chính sách, Hiệp hội nỗ lực hướng đến việc chủ động đề xuất các chính sách pháp luật, các giải pháp phát triển ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung.

3. Tính Cùng thắng (Win – Win): Hiệp hội hướng đến “văn hóa cùng thắng” (giữa các DN với các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc giữa các DN với nhau) trong các hoạt động góp ý, phản biện, đề xuất chính sách, giải pháp, quan tâm đến các chủ thể từ vĩ mô đến vi mô cùng tồn tại trong một cơ chế mới để đảm bảo các bên có liên quan cùng đạt được lợi ích.

4. Tính Hợp pháp, Minh bạch và vì quyền lợi chung: đây là một yếu tố quan trọng thể hiện cách tiếp cận hệ thống, đảm bảo hài hòa quyên lợi của từng cá nhân, từng DN với quyền lợi chung của tập thể và tuân thủ các quy định của luật pháp.

5. Tính Chia sẻ tri thức và trách nhiệm xã hội: các góp ý, phản biện, đề xuất chính sách, giải pháp của Hiệp hội hướng đến thể hiện tâm thế, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn.

6. Tính Liên kết: tăng cường quan hệ hiện tại của Hiệp hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng, các Hiệp hội ngành hàng và các cơ quan nghiên cứu có liên quan, quan hệ giữa các DN với các chủ thể trong chuỗi cung ứng, các khách hàng nước ngoài, các tổ chức quốc tế.

Nhìn lại 20 năm với những thành tích đáng nhớ, Mạng lưới VĐCS cùng tập thể các cán bộ của Văn phòng Hiệp hội luôn tự hào vì đó là hành trình 20 năm tiến bước luôn in đậm dấu chân các nỗ lực, phấn đấu của toàn Hiệp hội, đó là hành trình của sự đoàn kết gắn bó của các DN và thành viên trong Mạng lưới VĐCS, sự tâm huyết và lòng yêu nghề của từng cán bộ VP Hiệp hội. Hai mươi năm đã qua, những người con dưới mái nhà chung của Hiệp hội đã, đang và sẽ chung sức vượt qua gian khó, đoàn kết, tự tin, vững bước tương lai để đưa hoạt động VĐCS đến những thành công mới.

Trần Hoàng Yến

TIN MỚI CẬP NHẬT

Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản chú trọng phát triển thị trường nội địa

 |  10:27 18/07/2024

Ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang mở rộng thị phần tại thị trường nội địa nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

 |  10:15 18/07/2024

(vasep.com.vn) Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao các cơ quan chức năng liên quan xem xét, giải quyết 3 kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản.

Ngư dân ở Newfoundland biểu tình để bảo vệ nguồn lợi cá tuyết

 |  09:08 18/07/2024

(vasep.com.vn) Bộ trưởng Thủy sản Canada Diane Lebouthillier đã thông báo vào ngày 28/6 rằng lệnh cấm 32 năm đối với cá tuyết miền Bắc sẽ kết thúc trong năm nay, với hạn ngạch 18.000 tấn. Với việc quay trở lại nghề đánh cá thương mại, những người đánh cá ngoài khơi cũng được phép đánh bắt cá tuyết trở lại.

Sản lượng thức ăn nuôi tôm của Trung Quốc tăng vọt

 |  09:03 18/07/2024

(vasep.com.vn)Theo chuyên gia nuôi trồng thủy sản Jin Niu, giáo sư tại Đại học Sun Yat-Sen, sản lượng thức ăn tôm của Trung Quốc đạt 1,824 triệu tấn vào năm 2023, tăng đáng kể so với 1,656 triệu tấn của năm trước đó.

Nhập khẩu tôm của Mỹ năm 2024 có thể tăng so với 2023

 |  08:59 18/07/2024

(vasep.com.vn) Nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ bắt đầu tăng từ tháng 5, bất chấp quy định sơ bộ về thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá áp dụng lên các quốc gia xuất khẩu.

Đề xuất các chỉ số bền vững mới cho thành phần thức ăn nuôi trồng thủy sản

 |  08:54 18/07/2024

(vasep.com.vn)Một bài đánh giá được công bố trên Tạp chí Khoa học Thủy sản và Nuôi trồng Thủy sản đề xuất sử dụng đánh giá vòng đời (LCA) làm tiêu chuẩn để đánh giá tính bền vững của các thành phần thức ăn nuôi trồng thủy sản. Bài đánh giá được công bố trên tạp chí Reviews in Fisheries Science and Aquaculture đề xuất sử dụng LCA để đánh giá tính bền vững của các thành phần thức ăn nuôi trồng thủy sản.

Các tổ chức phi chính phủ kêu gọi chính phủ Na Uy cấm dầu cá có nguồn gốc từ Tây Phi

 |  08:55 17/07/2024

(vasep.com.vn) Tổng cộng có 39 tổ chức từ Tây Phi và Na Uy đã kêu gọi chính phủ Na Uy cấm sử dụng dầu cá có nguồn gốc từ Tây Phi tại các trang trại nuôi cá hồi của quốc gia này. Một phần đáng kể dầu cá được sử dụng trong ngành cá hồi của Na Uy có nguồn gốc từ Tây Phi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.

Yuehai Feed của Trung Quốc thua lỗ trong nửa đầu năm

 |  08:52 17/07/2024

(vasep.com.vn) Trong khi một nhà sản xuất thức ăn thủy sản Trung Quốc báo cáo rằng họ kỳ vọng đạt lợi nhuận kỷ lục trong nửa đầu năm thì một nhà sản xuất khác lại dự đoán mức lỗ lớn hơn, do tình hình thị trường nuôi trồng thủy sản Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức. Guangdong Yuehai Feeds Group đã nêu lý do thời tiết khắc nghiệt, thị trường hải sản ảm đạm và giá thức ăn chăn nuôi giảm là nguyên nhân dẫn đến hiệu suất suy yếu.

Đóng cửa ngư trường: Thúc đẩy nghề cá bền vững

 |  08:50 17/07/2024

(vasep.com.vn) Trong một động thái mang tính bước ngoặt, ba quốc gia Tây Phi: Benin, Bờ Biển Ngà và Ghana đã hợp lực để bảo vệ tài nguyên biển của họ bằng cách thực hiện các mùa đóng cửa toàn diện cho toàn bộ nghề cá của họ. Nỗ lực phối hợp này đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc thiết lập một mùa đánh bắt cá khép kín trong khu vực, đảm bảo tính bền vững lâu dài của nghề cá.

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC