Chính sách tín dụng liên kết chuỗi giá trị con tôm - Người nuôi tôm và ngân hàng cùng khó

Nguyên liệu 08:10 11/05/2017
"Người nuôi tôm đang rất thiếu vốn để nâng cấp, mở rộng mô hình nuôi. Nhưng do vướng cơ chế, nên các ngân hàng thương mại rất thận trọng, khiến nhiều diện tích nuôi tôm phải bỏ trống" - ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh chia sẻ tại buổi đối thoại chính sách tín dụng liên kết theo chuỗi giá trị con tôm do Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tổ chức tại Sóc Trăng.

 Khó ở "sổ đỏ" và phương án sản xuất

Ngày 9-6-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (gọi tắt là Nghị định 55). Ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông ngư 14-10, ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, bức xúc: "Tới thời điểm hiện nay, Nghị định 55 đã có hiệu lực được gần 2 năm. Tuy nhiên, hầu như người nuôi tôm chưa thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng theo Nghị định này, kể cả các HTX, hay tổ hợp tác (THT) đã thực hiện hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do các quy định về thủ tục cho vay còn quá phức tạp, vượt khả năng hiện tại của người nuôi tôm".

Liên quan đến thủ tục vay vốn, ông Mã Thanh Hồng, Giám đốc HTX Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, đặt vấn đề: "Hiện tại, hầu như sổ đỏ của người nuôi tôm đều đã ở ngân hàng hết rồi. Trong khi theo Nghị định 55 dù là cho vay tín chấp, không làm thủ tục thế chấp, nhưng người nuôi vẫn phải gởi sổ đỏ hoặc giấy xác nhận nguồn gốc đất đang canh tác cho ngân hàng?! Quy định này gần như "bít cửa" đối với người nuôi tôm trong tiếp cận với nguồn vốn tín dụng theo Nghị định. Một khi người nuôi tôm không có đủ vốn để nuôi, thì làm gì có đủ tôm bán cho nhà máy chế biến và như vậy thì lấy đâu ra đủ chỉ tiêu xuất khẩu tôm?".

Ông Mai Văn Đấu, Giám đốc HTX Toàn Thắng, thị xã Vĩnh Châu, nêu một khó khăn khác: "Hiện HTX Toàn Thắng đang thực hiện nuôi tôm sạch. Nhưng để xây dựng một phương án sản xuất khả thi, thuyết phục được ngân hàng cho vay là hết sức khó khăn". Về vấn đề này, theo đại diện Dự án Oxfam, tới đây Oxfam và Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp hỗ trợ HTX, THT xây dựng các phương án sản xuất theo liên kết chuỗi. Nếu thấy cần thiết, Oxfam sẽ đề nghị Icafish (Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững) thuê tư vấn để thực hiện công việc này, nhằm giúp HTX, THT của dự án tiếp cận được nguồn vốn tín dụng theo Nghị định 55.

Cần một gói vay thời điểm

Thực tế ở Sóc Trăng cho thấy, một số doanh nghiệp nuôi tôm có đủ vốn, kỹ thuật hầu hết đều thành công rất cao. Sóc Trăng hiện cũng có một số mô hình nuôi tôm thành công cao nhưng chưa thể nhân rộng do người nuôi còn thiếu vốn. Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng do vướng cơ chế, nên các ngân hàng rất thận trọng trong cho vay nuôi tôm, khiến nhiều diện tích nuôi tôm buộc phải bỏ trống. "Theo tôi, cái vướng lớn nhất hiện nay khi tiếp cận vốn tín dụng là người nuôi không còn sổ đỏ, còn tài sản thế chấp khác thì lại rất ít. Nguyên nhân chính là nghề nuôi tôm của chúng ta đến nay vẫn chưa thật sự bền vững, mức độ rủi ro còn cao, khiến ngân hàng không dám đầu tư" - ông Nhiệm thẳng thắn chỉ rõ.

Các đại lý cung ứng vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm dù vẫn rất thận trọng như các ngân hàng, nhưng linh hoạt, nhạy bén hơn. Bởi, các đơn vị này luôn chọn lọc đối tượng và thời điểm ít rủi ro nhất để đầu tư. Đối với một số khách hàng uy tín, các đại lý hợp tác chặt chẽ với các công ty, cử cán bộ kỹ thuật xuống khảo sát ngay từ khâu cải tạo ao, xử lý nước, khi tất cả đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật thì mới cho vay. Ông Nguyễn Văn Nhiệm dẫn chứng: "Thông thường, khi tôm thẻ được 60 ngày là có thể hòa vốn đến có lời. Vì vậy, khi tôm được 60 ngày trở đi, các đại lý không ngại cho người nuôi tôm mua hàng trả chậm đến thu hoạch. Cách cho vay theo thời điểm này, tuy chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nguồn vốn, nhưng cũng giúp người nuôi giảm bớt áp lực về vốn, còn đại lý thì an tâm hơn về nguồn vốn của mình".

Do đó, ông Nhiệm cho biết: "Các ngân hàng nên nghiên cứu các gói tín dụng thời điểm như các đại lý đã áp dụng để giúp người nuôi tôm giảm nhẹ nỗi lo về vốn. Ưu đãi lãi suất là tốt, nhưng người nuôi tôm cần hơn cả ưu đãi lãi suất chính là một cơ chế cùng thủ tục vay vốn thuận tiện và linh hoạt để họ có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng và đầy đủ hơn". Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng: "Đối với gói sản phẩm cho từng giai đoạn nuôi tôm, các ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện được. Ngay cả đại lý còn biết khi nào mới cần đầu tư để đảm bảo hiệu quả nhất, nên ngân hàng với nghiệp vụ chuyên môn sâu không thể nói là không làm được".

Để cho vay theo chuỗi hiệu quả

Bên cạnh việc đề xuất gói vay, vấn đề quản lý nguồn vốn vay cũng như bảo lãnh tín dụng cũng được người nuôi tôm kiến nghị sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn. Ông Mai Văn Đấu, Giám đốc HTX Toàn Thắng, chia sẻ: "Vay vốn thực hiện theo chuỗi là rất tốt vì người nuôi tôm không sử dụng tiền mặt, mà chủ yếu thanh toán qua thẻ tín dụng. Tuy nhiên, để thuận lợi và giúp HTX chủ động hơn khi vay theo chuỗi, nên để HTX tự quản lý nguồn vốn bằng tài khoản của mình, vì có những việc, những mặt hàng vẫn cần phải sử dụng tiền mặt. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể thực hiện bằng hình thức bảo lãnh tín dụng cho HTX, vì hiện tại, các HTX đều có quan hệ làm ăn trực tiếp với doanh nghiệp".

Để việc cho vay theo chuỗi hiệu quả hơn, theo ông Nguyễn Văn Nhiệm cần bổ sung vào chuỗi đơn vị tư vấn độc lập. Đơn vị tư vấn này có trách nhiệm giúp ngân hàng và người nuôi kiểm tra các khâu trong quy trình sản xuất đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của chuỗi. Một khó khăn khác trong liên kết chuỗi hiện nay cũng được ông Nhiệm chỉ ra là các doanh nghiệp có sản phẩm uy tín, được người nuôi tín nhiệm thường không chịu tham gia. Bởi theo ông Nhiệm lý giải, tại hầu hết các vùng nuôi, ngân hàng đều có các đại lý lớn đảm nhận, mức độ an toàn cao hơn. Còn nếu ngân hàng tham gia, người nuôi vẫn phải giao dịch qua hệ thống đại lý, không giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp. Chỉ có những đơn vị ít tên tuổi mới nhiệt tình tham gia vào chuỗi. Nhưng sản phẩm của các đơn vị này lại ít được người nuôi chấp nhận nên cũng gặp khó.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, cho rằng, nếu không thực hiện tốt liên kết chuỗi giá trị sẽ rất khó để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỉ USD cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh cho con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Vì vậy, các khâu trong chuỗi giá trị cần phải minh bạch, rõ ràng để các bên có thể hợp tác tốt với nhau trong việc cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận.

Báo Cần Thơ

TIN MỚI CẬP NHẬT

Vụ khai thác cá cơm Peru tăng có thể giúp hạ nhiệt giá bột cá

 |  08:34 19/07/2024

(vasep.com.vn) Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Dầu cá, bột cá thế giới (IFFO), mùa cá cơm đầu tiên của năm 2024 tại khu vực khai thác phía bắc-trung Peru đã kết thúc vào tháng 6, với sản lượng đạt hơn 98% hạn ngạch, mang lại hy vọng về sự hạ nhiệt của giá bột cá và dầu cá.

Canada cắt giảm 24% hạn ngạch cá trích Đại Tây Dương

 |  08:32 19/07/2024

(vasep.com.vn) 'Quyết định này được đưa ra với sự tham vấn của ngành, các bên liên quan, chủ sở hữu quyền và các tỉnh Nova Scotia và New Brunswick' -- Bộ trưởng Thủy sản Diane Lebouthillier

Giá tôm nguyên liệu ở Giang Tô, Trung Quốc giảm mạnh

 |  08:29 19/07/2024

(vasep.com.vn) Trong tuần 28 (từ ngày 8-14/7/2024), giá tôm tại đầm ở Ấn Độ tăng, nhưng lại giảm xuống mức thấp kỷ lục ở Giang Tô, Trung Quốc, thấp hơn cả giá nhập khẩu từ Ecuador. Trong khi đó, giá tôm ở Ecuador và Việt Nam ổn định, nhưng đang tăng ở Indonesia.

Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp Thái Lan đầu năm 2024 tăng hơn 13%

 |  08:28 19/07/2024

(vasep.com.vn) Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Thái Lan đã tăng trưởng đáng kể trong 5 tháng đầu năm 2024, với mức tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị 979 triệu USD.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chủ tịch FIATA hỗ trợ gỡ khó cho giá cước vận tải biển, ùn tắc cảng

 |  10:24 18/07/2024

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có Thư gửi Chủ tịch FIATA trao đổi về một số vấn đề đang gây ảnh hưởng đến hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Rabobank: Nguồn cung cá hồi sẵn sàng tăng trưởng trong nửa cuối năm, nhưng vẫn còn nhiều thách thức

 |  09:05 18/07/2024

Theo dự đoán của ngân hàng Hà Lan Rabobank, Sau nửa đầu năm 2024 "thất vọng" về sản lượng, nguồn cung cá hồi dự kiến ​​sẽ tăng trưởng trở lại vào nửa cuối năm. Na Uy và Vương quốc Anh dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng sản lượng sau một thời gian nguồn cung yếu.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ chỉ trích MSC vì tiếp tục hiện diện ở Nga

 |  09:00 18/07/2024

(vasep.com.vn) Các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và những nhân vật chủ chốt trong ngành thủy sản Hoa Kỳ đang chỉ trích quyết định của Hội đồng Quản lý Biển (MSC) vì vẫn tiếp tục cho phép các ngành thủy sản của Nga – đặc biệt là cá minh thái Nga – duy trì chứng nhận của MSC mặc dù phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế.

Mỹ: Năm 2024 khối lượng nhập khẩu cá rô phi thấp nhất trong 10 năm

 |  08:57 18/07/2024

(vasep.com.vn) Tổng cộng có 39 tổ chức từ Tây Phi và Na Uy đã kêu gọi chính phủ Na Uy cấm sử dụng dầu cá có nguồn gốc từ Tây Phi tại các trang trại nuôi cá hồi của quốc gia này. Một phần đáng kể dầu cá được sử dụng trong ngành cá hồi của Na Uy có nguồn gốc từ Tây Phi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC