Hiệp hội, doanh nghiệp vẫn còn nhiều quan ngại về dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường

(vasep.com.vn) Sau khi nhận được nhiều ý kiến quan ngại của một số Hiệp hội, DN về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, ngày 22/9/2021, Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TNMT) đã ra Thông cáo báo chí để làm rõ các nội dung. VASEP và một số Hiệp hội cảm ơn Bộ TNMT đã lắng nghe và tiếp thu một số góp ý để hoàn thiện vào Dự thảo (cập nhật ngày 16/9/2021). Tuy nhiên, theo phản ánh của một số Hiệp hội, vẫn còn một số điểm Bộ TNMT trả lời và giải thích chưa thuyết phục, chưa thỏa đáng.

Hiệp hội doanh nghiệp vẫn còn nhiều quan ngại về dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường

Chưa thấy cải cách thủ tục hành chính ở đâu trong cấp Giấy phép môi trường

Ông Nguyễn Hồng Uy – đại diện Tiểu ban Thực phẩm và Đồ uống, Hiệp hội DN Châu Âu tại VN (EUROCHAM) đồng tình rằng tại dự thảo cập nhật nhất, Bộ TNMT đã tiếp thu ý kiến góp ý bằng những điều chỉnh tiến bộ nhưng thủ tục cấp Giấy phép môi trường vẫn trùng lắp, rườm rà. Hồ sơ trùng lắp nhiều, 2 lần thẩm định, 2 lần kiểm tra thực địa.

Điều 29 của dự thảo cũng không quy định rõ thời gian kiểm tra hồ sơ, thời gian thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp phép, DN không tính được thời gian để lên kế hoạch đầu tư, vậy nên DN không rõ cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí ở đâu?

Bộ TNMT cho rằng, dự thảo Nghị định đã bám sát, cụ thể hóa chủ trương cải cách TTHC theo quy định của Luật BVMT 2020, trong đó, tích hợp 07 loại giấy phép, xác nhận gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy phép xả khí thải công nghiệp, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại (CTNH), Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH vào 01 Giấy phép môi trường. Tuy nhiên, sự thay đổi này quả thực không đáng kể, chẳng qua là đổi 7 cái tên thành chung 01 cái tên, nội dung từng phần vẫn như cũ. Giống như đổ 7 chai rượu sắn 0,5 lít vào 01 chai 3,5 lít, rượu sắn vẫn là rượu sắn, có vỏ chai là mới (tiến bộ là 01 cái thì dễ cầm hơn 7 cái).

Dự thảo không làm rõ tiêu chí thế nào là “cần thiết”, không làm rõ thời gian thẩm định, thời gian kiểm tra thực địa bao lâu phải trả lời… vậy làm sao cắt giảm cơ chế xin-cho”?

Hậu kiểm thì chưa thấy trong dự thảo mà tiền kiểm thì đã rõ những 2 lần: 2 lần thẩm định hồ sơ (ĐTM và GPMT), 2 lần kiểm tra thực địa “trong trường hợp cần thiết”. Như vậy là đi ngược lại Nghị quyết 18/2018/NĐ-CP của chính phủ mà Bộ TNMT đã nhắc đến “chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm”.

Đồng thuận với ý kiến của EUROCHAM, một số Hiệp hội cho rằng, Bộ TNMT đã biết và đồng thuận với Nghị quyết của Chính phủ thì rất mong Bộ chuyển sang hành động thực tế, chuyển các tiền kiểm thực địa sang hậu kiểm. Chỉ có hậu kiểm mới giúp được môi trường tốt lên, chứ “ngồi nhà” cấp giấy phép mà không hậu kiểm thì môi trường sẽ chịu hậu quả mà bài học đau đớn là sự cố Fomosa năm 2016, có đủ GPMT mà môi trường vẫn bị đầu độc.

Đồng tình với ý kiến của EUROCHAM, một số Hiệp hội cho rằng, để tránh trùng lắp hồ sơ thì những hồ sơ đã nộp khi xin duyệt ĐTM thì không nộp lại khi xin duyệt GPMT.  Ngành môi trường cũng nên chấp nhận các cam kết của DN khi cấp GPMT, bãi bỏ kiểm tra thực địa khi cấp GPMT, thay bằng hậu kiểm, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các nội dung GPMT được cấp.

Dự thảo này cũng cần quy định rõ thời gian thẩm định kể từ thời điểm tiếp nhận. Ngay tại thời điểm nộp hồ sơ, nếu đủ thì xác nhận tiếp nhận cho DN. Yêu cầu bổ sung phải rõ ràng, cụ thể, có cơ sở khoa học và pháp lý, và chỉ yêu cầu bổ sung một lần bằng văn bản cụ thể, trừ khi DN bổ sung nội dung đó vẫn chưa đầy đủ thì mới được yêu cầu bổ sung tiếp.  

Nên gọi là “đóng góp” hay là “phí”?

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), vai trò giám sát của Hội đồng EPR rất hạn chế, vì dự thảo quy định Hội đồng EPR quốc gia ủy quyền quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu cho Văn phòng EPR quốc gia. Như vậy, Văn phòng EPR quốc gia mới là người quản lý, giám sát khoản tiền này. Việc nhà sản xuất, nhập khẩu được tham gia Hội đồng EPR quốc gia là rất phù hợp. Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định rõ thành phần đại diện của doanh nghiệp là bao nhiêu, cơ cấu tổ chức thế nào. Cơ chế biểu quyết là theo đa số, mà đại diện DN nếu ít ỏi thì cũng khó có tiếng nói đáng kể, do đó nên tăng số đại diện của DN trong Hội đồng này.

Hơn thế, chưa có khung pháp lý rõ ràng để quản lý “đóng góp tài chính” ở điều 83, dẫn đến nguy cơ khó đảm bảo sự minh bạch và sử dụng đúng mục đích. Quỹ BVMT Việt Nam được thành lập và quản lý theo Quyết định 78/2014/QĐ-TTg, tại điều 2 chỉ “có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động, nhiệm vụ BVMT” mà không có chức năng chi trả cho hoạt động tái chế, và cũng chưa có khung pháp lý để quản lý chức năng này.

Văn phòng EPR Việt Nam và Quỹ BVMT thu phí thì phải chịu trách nhiệm tái chế thay cho các doanh nghiệp, nhưng lại chưa thấy quy định Văn phòng EPR Việt Nam và Quỹ BVMT sẽ chịu trách nhiệm như thế nào nếu tái chế không đạt mức quy định?

Để đảm bảo sử dụng khoản thu này minh bạch và đúng mục đích, cần có khung pháp lý để quản lý thu chi, phù hợp nhất là Luật quản lý phí, lệ phí.

Về đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế, theo lý giải của Bộ TNMT, với các  trường hợp không tự tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Như vậy, về bản chất đây là quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong trường hợp không trực tiếp thực hiện tái chế, không phải là khoản đóng góp bắt buộc, do đó không thể được coi là một nguồn thu thuế, phí. Tuy nhiên, một số Hiệp hội cho rằng, DN không tự tái chế được thì phải “đóng góp” còn nếu DN tự tái chế rồi thì hiển nhiên là không phải “đóng góp”, như vậy rõ ràng là khoản thu bắt buộc. Ví dụ tương tự về phí vận tải, DN cần chở hàng nhưng không tự vận tải được thì phải trả phí vận tải, còn nếu tự vận tải được thì hiển nhiên không phải trả phí vận tải cho ai cả, và không ai dùng lý do này để gọi phí vận tải là “đóng góp vận tải”.

Bộ TNMT cũng lập luận rằng, hiện nhiều nước trên thế giới đều không coi đóng góp tài chính này là nguồn thu ngân sách nhà nước như thuế, phí. Tuy nhiên, theo một số Hiệp hội, DN thì các nước châu Âu như Pháp, Đức hay Thụy Điển đều gọi là phí (Fee).

Văn phòng EPR Việt Nam không có trong Luật Bảo vệ Môi trường nhưng lại có trong dự thảo

Theo ý kiến của một số Hiệp hội, quy định về Văn phòng EPR Việt Nam không phù hợp về pháp lý. Kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam cũng chưa phù hợp và chưa có quy định về chế tài trách nhiệm đối với cán bộ Văn phòng EPR Việt Nam.

Điều 90 của Dự thảo quy định: “Văn phòng EPR Việt Nam là tổ chức sự nghiệp ngoài công lập …chịu sự chỉ đạo, quản lý, giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng EPR quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập và phê duyệt điều lệ hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam”. Từ quy định này cho thấy rằng bản chất của Văn phòng EPR Việt Nam là tổ chức công lập, chứ không phải là tổ chức ngoài công lập.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP, quy định này trái với Điều 2 Nghị định 53/2006/NĐ-CP quy định: “Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là cơ sở do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập”.

Quy định về Văn phòng EPR Việt Nam cũng không có trong Luật BVMT và trái Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Khoản 1, Điều 11 quy định: “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao”.

Nếu Dự thảo vẫn khẳng định Văn phòng EPR Việt Nam là một tổ chức ngoài công lập thì toàn bộ mọi hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam phải do các doanh nghiệp bầu chọn và quyết định. Ngược lại, nếu quy định Văn phòng EPR Việt Nam là tổ chức công lập thì như thế sẽ làm tăng thêm biên chế, đi ngược với chủ trương của Chính phủ về tinh giản và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Việc sử dụng tiền của doanh nghiệp đóng góp để chi trả kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam (điều 90, khoản 3) là chưa hợp lý. Chi phí quản lý cho cán bộ nhà nước cần lấy từ ngân sách nhà nước. Như đã đề cập ở trên, các doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường, đóng góp tái chế và nhiều loại thuế phí khác. Nhà nước cần dùng các khoản thuế này của doanh nghiệp để làm ngân sách hoạt động cho quản lý nhà nước. Do đó, chi phí cho một số cán bộ nhà nước quản lý hoạt động tái chế (nếu có) cũng cần lấy từ ngân sách nhà nước, chứ không nên yêu cầu doanh nghiệp đóng thêm như quy định tại Dự thảo.

Thêm vào đó, Văn phòng EPR Việt Nam thu phí của các doanh nghiệp để tái chế thì phải chịu trách nhiệm tái chế thay cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên,Dự thảo lại chưa quy định chế tài đối với cán bộ Văn phòng EPR Việt Nam nếu họ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm tái chế.

Một số Hiệp hội ngành hàng đề nghị bỏ thành lập mới Văn phòng EPR Việt Nam, mà thay vào đó nên giao nhiệm vụ quản lý, giám sát việc thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cho một đơn vị chuyên môn của Bộ TNMT, để đảm bảo sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước đối với hoạt động tái chế ở Việt Nam.

Đồng thời, bổ sung điều khoản quy định xử lý trách nhiệm của các cán bộ đơn vị chuyên môn và Quỹ BVMT nếu không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tái chế thay cho doanh nghiệp. Mức phạt phải tương đương với mức phạt áp dụng cho cá nhân vi phạm hành chính theo bản chất của xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với cá nhân và các cá nhân liên quan phải nộp phạt, chứ không được lấy từ Quỹ BVMT.

Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM