Xuất khẩu tôm khó giữ được tăng trưởng nếu chậm trễ tiếp cận vaccine

(vasep.com.vn) Nửa đầu năm 2021, XK tôm Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. XK sang các thị trường chính, trừ Trung Quốc đều tăng trưởng tốt. Đây là nỗ lực lớn của DN XK tôm Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay.

Xuất khẩu tôm khó giữ được tăng trưởng nếu chậm trễ tiếp cận vaccine

Ảnh minh họa

Trong 6 tháng đầu năm nay, trừ thị trường Trung Quốc, XK tôm Việt Nam sang các thị trường và khối thị trường chính như CPTPP, Mỹ, EU đều tăng 2 con số từ 14% đến 36%. Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm tăng trưởng kinh tế cộng với ảnh hưởng của Covid-19 nhưng XK tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng nhẹ 3% đến 4%. Đáng chú ý, 2 thị trường Australia và Nga, mặc dù không phải là những thị trường NK lớn nhưng lại ghi nhận các mức tăng trưởng ấn tượng 80% đến 90%. Trung Quốc là thị trường NK tôm chính duy nhất của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm 20%.

Về sản phẩm XK, nửa đầu năm nay, giá trị XK tôm chân trắng của Việt Nam tăng trưởng dương 24% trong khi giá trị XK tôm sú và tôm biển giảm lần lượt 4% và 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

CPTPP

Hiện nay, CPTPP vẫn là khối thị trường XK hàng đầu của các DN tôm Việt Nam. 6 tháng đầu năm nay, giá trị XK tôm sang khối này đạt 482,8 triệu USD, tăng 14%, chiếm 28% tổng giá trị XK tôm. Trong đó, Nhật Bản là thị trường NK tôm và sản phẩm tôm sú nói riêng lớn nhất với tổng giá trị XK đạt 290,2 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2020 và quý 1 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản không tăng do tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản không ổn định lại thêm ảnh hưởng xấu từ làn sóng Covid, nhà hàng hạn chế hoạt động, làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đến quý II năm nay, số ca nhiễm Covid tại Nhật Bản có xu hướng giảm và việc tiêm phòng được đẩy mạnh. Nhờ đó, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản tăng nhẹ. Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 dự kiến ​​diễn ra vào tháng 7 tại Nhật Bản có thể làm tăng nhu cầu NK thủy sản trong đó có tôm từ Nhật Bản.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, XK tôm sang thị trường Australia tăng mạnh 81%, đạt hơn 88,7 triệu USD. Riêng tháng 6/2021, giá trị XK tôm sang thị trường này đạt 16,9 triệu USD, tăng 89%.

Mỹ - EU

Mỹ là thị trường NK đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam. Nhu cầu NK tôm của Mỹ từ Việt Nam khá ổn định kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh tốt hơn khi Ấn Độ (nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ) gặp nhiều rào cản do dịch bệnh Covid gây ra.

Nửa đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 439,8 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, tôm thẻ thịt hấp, chế biến, chiếm gần 47% giá trị sang Mỹ với giá trung bình từ 10,15 – 11,5 USD/kg. Sản phẩm XK lớn thứ hai là tôm tẩm bột tempura, chiếm 16,5% với giá XK TB 10,5 – 10,7 USD/kg. Tôm thẻ đông lạnh (HS03061721) chiếm 15% với giá trị với giá XKTB từ 9,6 – 9,8 USD/kg.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ duy trì tăng trong đại dịch. Nhu cầu NK tôm của Mỹ vẫn cao phục vụ bán hàng mang đi và giao hàng tận nơi. Nhu cầu nhà hàng, dịch vụ thực phẩm tại Mỹ dần phục hồi do tốc độ tiêm vaccine nhanh chóng ở nước này.

Sản lượng khai thác tôm nước lạnh tại các nguồn cung cho Mỹ giảm, cũng khiến nhu cầu NK tôm nước ấm của Mỹ tăng. Tháng 5/2021, sản lượng tôm cập cảng Vịnh Mexico của Mỹ đạt bằng một nửa so với mức trung bình lịch sử trong tháng 5.

Nửa đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 255,6 triệu USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm nay đã có sự tăng trưởng tốt hơn so với năm ngoái.

Quý II năm nay, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm tại châu Âu đã bắt đầu mở cửa trở lại khi các ca nhiễm Covid tiếp tục giảm và việc tiêm phòng được triển khai. Nhu cầu tiêu thụ tôm mùa hè tại châu Âu tăng, lượng tôm dự trữ đang ở mức thấp, cùng với Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ là cơ hội cho các nhà XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

XK tôm Việt Nam trong tháng 7, dự kiến tốc độ tăng trưởng hiện tại sẽ giảm nhẹ do tình hình dịch bệnh Covid trong nước diễn biến phức tạp và biến chủng Delta phát triển trên thế giới.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang là mối lo của tất cả các nhà máy chế biến, XK ở ĐBSCL. Mặc dù đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó rất kỹ càng nhưng cũng không tránh khỏi hoang mang. Trong khi đó từ khâu nuôi trồng đến chế biến và XK đều đang phải gấp rút chạy cho kịp các đơn hàng. DN chế biến tôm mong mỏi và trông chờ vào sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ để được sớm nhất tiếp cận nguồn vaccine cho người lao động. Nếu chỉ cần một khâu bị đứt gãy thì thiệt hại sẽ kéo theo chuỗi giá trị từ DN - người nông dân - công nhân đều bị sụp đổ.

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm