Thủy sản vẫn là "điểm sáng" của ngành nông nghiệp

Trong tháng 11/2021, ngành chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ chưa cao, giá bán sản phẩm giảm và dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Trong khi đó, hoạt động thu hoạch và chế biến thủy sản, lâm sản đang trên đà hồi phục do nhiều địa phương đã trở về trạng thái “bình thường mới”...

Hiện nay các địa phương phía Bắc đang đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa, giải phóng đất tập trung sản xuất, chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất vụ đông phù hợp. Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lúa mùa năm nay của cả nước ước tính đạt 51,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với vụ mùa năm trước. Tuy nhiên, do diện tích gieo cấy giảm nên sản lượng chung toàn vụ ước tính đạt 8,06 triệu tấn, giảm 53,6 nghìn tấn so với năm trước.

CHĂN NUÔI KHÓ KHĂN VỀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM

Ở miền Bắc, vụ đông năm nay tập trung vào cây trồng có giá trị kinh tế cao, thực hiện thâm canh rải vụ, nâng cao chất lượng để tăng giá bán sản phẩm, đặc biệt, chú trọng vào sản xuất ngô sinh khối đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi cho đại gia súc.

Kết quả một số loại cây trồng trong 11 tháng.

Kết quả một số loại cây trồng trong 11 tháng.

Hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang thu hoạch lúa Thu Đông. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất toàn vụ ước tính đạt 56,1 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với vụ thu đông năm trước; sản lượng đạt 4,04 triệu tấn, tăng 9,5 nghìn tấn.

Đối với ngành chăn nuôi trong tháng 11/2021, chăn nuôi lợn vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, giá thịt lợn hơi trong tháng 11 vẫn ở mức thấp do nguồn cung đã phục hồi nhưng nhu cầu tiêu thụ chưa cao, trong khi đó giá các chi phí đầu vào tăng cao khiến nhiều cơ sở chăn nuôi bị thua lỗ.

 

Chăn nuôi gia cầm cũng gặp khó khăn do chi phí sản xuất tăng, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao. Chăn nuôi trâu, bò trên cả nước trong tháng 11/2021 nhìn chung ổn định, dịch viêm da nổi cục cơ bản được kiểm soát.

SẢN LƯỢNG THỦY SẢN TĂNG NHẸ

Đề cập lĩnh vực thủy sản, Tổng cục Thống kê cho hay sản lượng thủy sản tháng 11/2021 ước tính đạt 761,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 540,9 nghìn tấn, tăng 3%; tôm đạt 109,2 nghìn tấn, tăng 5,1%; thủy sản khác đạt 111,7 nghìn tấn, tăng 2,7%.

Hoạt động thu hoạch, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến thủy sản đang  trên đà hồi phục. Thu hoạch thủy sản nuôi trồng trong tháng 11/2021 ước tính đạt 468,7 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: cá đạt 320,4 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 95,8 nghìn tấn, tăng 5,9%.

Sản lượng cá tra thu hoạch tháng 11/2021 đạt 112,4 nghìn tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm này, người nuôi vẫn có tâm lý thả nuôi cầm chừng do tác động của dịch Covid-19, vì vậy dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu cá phục vụ chế biến xuất khẩu, loại cá trọng lượng 0,8 -1 kg/con. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá cá tra nguyên liệu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao 22.500-23.500 đồng/kg.

Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 11/2021 ước tính đạt 65,2 nghìn tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; tôm sú đạt 23,4 nghìn tấn, tăng 1,7%. Giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu ở các tỉnh Tây Nam Bộ tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ năm trước.

Thu hoạch, tiêu thụ tôm thẻ chân trắng tại các địa phương thuận lợi hơn sau khi nới lỏng giãn cách xã hội được thực hiện, các doanh nghiệp chế biến dần lấy lại đà sản xuất và người dân ở các vùng nuôi tôm tập trung cho vụ thu hoạch cuối năm.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 11/2021 ước tính đạt 293,1 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 220,5 nghìn tấn, tăng 2,7%; tôm đạt 13,4 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm trước. Trong đó, hải sản khai thác biển tháng 11/2021 ước tính đạt 275,2 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, sản lượng thủy sản ước tính đạt 7.908,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thủy sản nuôi trồng đạt 4.252,7 nghìn tấn, tăng 0,2%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.655,5 nghìn tấn, tăng 0,8% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 3.480 nghìn tấn, tăng 0,9%).

DIỆN TÍCH RỪNG BỊ CHÁY TĂNG CAO

Đối với ngành lâm nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 11/2021 ước tính đạt 31,9 nghìn ha, tăng 2,2 % so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 9,3 triệu cây, giảm 2,3%. Thời tiết tại miền Bắc và Tây Nguyên thuận lợi nên các địa phương tập trung trồng rừng theo đúng kế hoạch.

Nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ tăng cao để kịp đáp ứng cho các đơn hàng phục vụ dịp cuối năm. Sản lượng gỗ khai thác tháng 11/2021 đạt 1.833 nghìn m3, tăng 6,1%; sản lượng củi khai thác đạt 1,5 triệu ste, giảm 2,7%.

Tính chung 11 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 238,3 nghìn ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 88,1 triệu cây, tăng 2,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt gần 16,2 triệu m3, tăng 4,6%; sản lượng củi khai thác đạt 17,2 triệu ste, giảm 1,1%.

Trong 11 tháng năm 2021, ước tính diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 2.015 ha, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: diện tích rừng bị cháy 1.229 ha cao gấp 1,9 lần cùng kỳ năm ngoái; diện tích rừng bị chặt, phá 786 ha, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

(Theo vneconomy)

Mời Quý DN thủy sản tham gia khảo sát về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid - 19

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục