Doanh nghiệp chế biến cá tra đang mắc kẹt giữa các quy định chống dịch của các địa phương

Hiện tại nhiều vùng nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, cá tra đang quá lứa nằm chờ dưới ao khiến nông dân có nguy cơ thua lỗ. Trong khi đó, đoàn nhân lực đi thu hoạch cá tra của doanh nghiệp chế biến, khi di chuyển đến các địa phương nuôi cá phải cách ly 14 ngày, khiến các doanh nghiệp không thể thu mua...

Hội nghị trực tuyến sơ kết Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổ công tác 970) diễn ra ngày 9/9/2021 tiếp tục nhận được thêm nhiều kiến nghị từ các doanh nghiệp.

Quy định cứng nhắc gây khó cho doanh nghiệp

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn phản ánh, nếu cứ kéo dài sản xuất "3 tại chỗ" doanh nghiệp sẽ không thể chịu nổi vì chi phí sản xuất tăng. "Chúng tôi đã thực hiện 3 tại chỗ hai tháng nay, hàng tuần đều test PCR nên rất tốn kém. Nên chăng chỉ cần tầm soát xét nghiệm 20% thay vì 100% như hiện nay".

Hiện nhà máy chế biến muốn khôi phục tăng sản lượng chế biến trở lại để đáp ứng các đơn hàng. Vì vậy, đang cần gọi lại những công nhân đã tạm nghỉ việc quay trở lại nhà máy làm việc.

"Công nhân không chỉ sống ở trụ sở của nhà máy mà còn ở các địa phương lân cận, muốn đi làm thì phải đi test mà giờ công nhân còn không được phép ra khỏi nhà để đi test SARS-CoV-2 thì đến nhà máy kiểu gì?", bà Khanh nêu thực tế.

Hiện nay áp lực của ngành chế biến, xuất khẩu cá tra là rất lớn. Cá tra đang quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ. "Chúng tôi cử đoàn nhân công đến giúp nông dân thu hoạch cá, nhưng khi vào địa phương thu hoạch cá bắt buộc phải cách ly 14 ngày thì làm sao đảm bảo tiến độ thu hoạch, chế biến. Trong khi đoàn thu hoạch cá tra dù di chuyển sang nhiều địa phương nhưng họ đều đảm bảo các yếu tố dịch tễ, đã tiêm phòng vaccine, có giấy xét nghiệm đầy đủ", bà Khanh nêu bức xúc.

"Quy định phải cách ly tập trung 14 ngày của Vĩnh Long như vậy là quá cứng nhắc vì theo văn bản của Bộ Y tế, những người đã tiêm phòng chỉ phải tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà trong thời gian 7 ngày" - Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trả lời vướng mắc bà Khanh nêu ra, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, vùng nguyên liệu của Vĩnh Hoàn nằm ở huyện Long Hồ, Mang Thít. Trong khi đó Mang Thít đang là vùng xanh nên được bảo vệ nghiêm ngặt, người đi vào tỉnh Vĩnh Long cũng phải cách ly tập trung 14 ngày.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, địa phương đang tồn cá tra quá lứa với trên 3.000 tấn đang nằm dưới ao chưa thể thu hoạch. Bởi, 90% số nhà máy chế biến cá tra ở Cần Thơ đang phải tạm ngừng do không đáp ứng được các phương án hoạt động.

Thu hoạch cá phải có hàng chục người và hoạt động trên nhiều địa bàn, nhưng việc hạn chế người tập trung, hạn chế di chuyển nên tiêu thụ cá rất khó khăn.

Ông Nhơn cho biết hiện chỉ đạo mới chỉ ưu tiên vaccine cho công nhân nhà máy chế biến mà chưa ưu tiên cho nhân công vùng nguyên liệu thì làm sao người dân có thể đi thu hoạch để phục vụ chế biến, trong khi đội thu hoạch cá tra phải cần đến 40 – 50 người. Nếu không tiêm cho cả lực lượng này thì khó có thể tổ chức lại sản xuất.

"Hiện nhiều địa phương chỉ cấp giấy đi đường cho người làm dịch vụ, đi giao hàng mà không ưu tiên cho người sản xuất nên việc di chuyển từ nhà đến nơi canh tác đang gặp khó khăn", ông Nhơn thông tin thêm.

Sẽ có chính sách phục hồi sản xuất

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, không thể từng cá nhân riêng lẻ đều đòi hỏi phải có giấy đi đường, nhưng nếu các địa phương thành lập các tổ, đội thu hoạch cá, thu hoạch lúa, trái cây chuyên nghiệp, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch thì có thể làm văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho vào thu hoạch.

"Ngay ngày mai (10/9), Tổ công tác 970 sẽ có văn bản cho 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về việc thành lập đội thu hoạch cá tra chuyên nghiệp và có cơ chế cho đội này vào các địa phương thu hoạch cá với điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh", Thứ trưởng Nam cam kết.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp kiến nghị, sau 15/9, các ngành chức năng cần rà soát phương án “3 tại chỗ” để có phương án khôi phục tổ chức sản xuất và tăng quy mô. 

Đặc tính sản xuất nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự đan xen, di chuyển mạnh giữa các địa phương. Một số địa phương chỉ ưu tiên tiêm cho lực lượng dịch vụ cung cấp hàng thiết yếu, mà không ưu tiên cho đối tượng sản xuất, điển hình như nông dân.

Bởi vậy, nếu không tiêm vaccine cho đội ngũ này thì rất khó tổ chức sản xuất lại. Do đó, các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine cho chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nam cho biết Tổ công tác 970 sẽ làm việc với Bộ Y tế để có hướng dẫn nông dân ra đồng sản xuất, lao động vào nhà máy sản xuất; quan tâm tiêm vaccine cho chuỗi sản xuất nông nghiệp.

"Tổ công tác cũng sẽ tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ phủ xây dựng và ban hành Nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước. Trong đó, ưu tiên cho khôi phục sản xuất nông nghiệp trong và sau đại dịch Covid-19 để có căn cứ và cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các địa phương" - Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trước nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi phục vụ cho sản xuất lớn, sẽ kiến nghị nhà nước nên có chính sách hỗ trợ giống 50% cho người dân tái sản xuất.

Tại một vài địa phương, sự kiểm soát của lực lượng tại chỗ vẫn chưa cập nhật chỉ đạo chung nên còn gây ra một số khó khăn trong việc đi lại cho lực lượng lao động, doanh nghiệp, nông dân trong tham gia sản xuất và lưu thông nông sản hàng hóa.

Vì vậy, xây dựng nghị quyết đó sẽ trình và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành Nam Bộ cần hạn chế đến mức tối đa việc ban hành các quy định riêng của từng địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19; mà cần tham khảo và phối hợp với nhau trong việc thực hiện các quy định về giãn cách xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp, máy móc, trang thiết bị thông suốt giữa các tỉnh phục vụ cho sản xuất và chế biến nông sản.

Các địa phương cần thống nhất, xây dựng hướng dẫn tổ chức sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản, cùng với các doanh nghiệp tổ chức triển khai.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ yêu cầu TP.HCM trong thời gian tới cần tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông cho hàng hóa nông sản xuất khẩu và vật tư, trang thiết bị nông nghiệp từ các cảng về các địa phương nhằm duy trì sản xuất, chế biến ổn định trong và sau khi thực hiện giãn cách xã hội.

(Theo Thời báo Kinh tế VN)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục