TPP: Phép thử “dài hơi” của Việt Nam trong chính sách hướng đến cộng đồng

Tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất so với 11 quốc gia thành viên còn lại khi nhìn nhận từ góc độ kinh tế. Tuy nhiên, nếu đứng từ góc độ sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội, TPP có lẽ là một phép thử “dài hơi” của Việt Nam trong những chính sách hướng đến cộng đồng.

TPP: “Màu hồng” của nền kinh tế Việt Nam… 

Điều mà TPP mang lại rõ nhất cho nền kinh tế Việt Nam chính là những ưu đãi về thuế quan thông qua các cam kết cắt giảm thuế quan. Thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa được giảm xuống 0% sẽ là “cú hích” mạnh cho xuất khẩu. Đây được coi là yếu tố thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu đặc biệt là thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và thuận lợi trong thời gian tới.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều đánh giá, TPP là một hiệp định tự do “thế hệ mới”. Việc tham gia vào TTP sẽ giúp GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025.

Bên cạnh đó, TPP còn tạo điều kiện cho sự phát triển sản xuất của Việt Nam, tạo cơ hội cho DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao đời sống. Hiệp định cũng tăng cường năng lực giám sát, tạo điều kiện hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước của Việt Nam.

TPP được coi là cầu nối giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới và cơ hội mở rộng đầu tư. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp hơn.

Đặc biệt, TPP tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng và cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp tư nhân. Các cam kết trong TPP đang tạo áp lực “buộc” Việt Nam phải nhanh chóng rà soát lại hệ thống luật pháp. Thời gian qua, đã chứng kiến nhiều công cuộc cải cách hệ thống hành chính, loại bỏ giấy phép con hay rà soát lại Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp…

… nhưng là “phép thử” dành cho chính sách an sinh xã hội

Tại hội thảo “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương từ góc độ sức khỏe và an toàn môi sinh” do Liên minh vận động chính sách dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD), Liên minh Phóng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs – VN), Mạng lưới cấm Vận động Cấm sử dụng Amiăng Việt Nam (Vn – BAN), Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Hội Y tế Công cộng Việt Nam (VPHA) phối hợp tổ chức, các chuyên gia trong ngành liên quan cho rằng, cần một cái nhìn khác từ ảnh hưởng của TPP để có những khuyến nghị giải pháp phù hợp khi cam kết gỡ bỏ thuế quan sẽ khiến thị trường một số mặt hàng trở nên dễ dàng hơn.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, lượng cồn nguyên chất chứa trong rượu bia mà Việt Nam tiêu thụ từ năm 2005 đến 2010 đã tăng 3,3l lên 6,6l. Việt Nam cũng là quốc gia có đối tượng nam giới tiêu thụ rượu bia xếp thứ 10 trên thế giới.

Thống kê từ Bộ Công thương cũng cho thấy, sản lượng rượu sản xuất cũng tăng vọt trong năm 2015. Dự báo, lượng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là bia rượu nhập ngoại. Chính vì vậy, “hệ quả” của cắt giảm thuế quan sẽ tạo “cơ hội” mới cho các hàng hóa thuộc diện đặc biệt rượu – bia (nhập ngoại) dễ dàng tiếp cận với người sử dụng.

Tương tự như rượu – bia, thuốc lá – mặt hàng “nhạy cảm” của Việt Nam cũng nhanh chóng có cơ hội có mặt tại thị trường nội địa. TS. Mary Assunta – Cố vấn chính sách cao cấp SEATCA chia sẻ, 7 Chương trong Hiệp định TPP đặt ra thách thức lớn cho việc kiểm soát thuốc lá.

Theo TS. Mary phân tích, các nhà đầ tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có thể dựa vào nội dung cam kết về xóa bỏ thuế quan, bảo về các khoản đầu tư, thúc đẩy tự do hóa… trong các chương như: Tiếp cận Thị trường Hàng hóa (Chương 2); Rào cản Kỹ thuật đối với Thương mại (Chương 8); Đầu tư: Tước quyền sở hữu (Chương 9); Thương mại Dịch vụ Xuyên Biên giới (Chương 10)… để tận dụng tối đa cơ hội.

Những thống kê: “40 000 người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá”; “100.000.000 người chết vì thuốc lá trong thế kỷ 20”; số lượng các vụ tai nạn giao thông do lái xe có sử dụng rượu bia, gây các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, đái tháo đường cũng như bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, xã hội… chính là những dẫn chứng rõ rệt nhất về tác hại của thuốc lá và rượu bia đối với xã hội. Chính những điều này đang tiềm ẩn những nguy hiểm đối với sức khỏe của cộng đồng.

Không những vậy, những thiệt hại mà các sản phẩm này gây ra cho nền kinh tế ước tính đến hàng tỷ USD mỗi năm. Thiệt hại do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia tại Việt Nam xấp xỉ 36% tương đương 1 tỷ đô la Mỹ (2010).

Ông Trần Tuấn – Trưởng ban thường trực hành động khẳng định rằng, TPP sẽ đặt ra thách thức lớn cho lợi ích cộng đồng đối với các quốc gia có nền kinh tế thấp và không có chính sách bảo vệ khỏi tác động xấu từ bên ngoài của thương mại tự do khu vực và toàn thế giới.

TS. Mary một lần nữa khuyến cáo, “Việt Nam phải có những ký lết thỏa thuận bên lề để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh trước khi phê chuẩn TPP”.

Nhìn từ nhiều góc độ, TPP đem lại cơ hội và cả những thách thức. Không chỉ là áp lực cải cách hệ thống hành chính nhà nước, cải tổ năng lực sản xuất của doanh nghiệp – những điều đã được đề cập lâu nay mà còn cả áp lực “cân bằng” giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội; đảm bảo sự đồng nhất giữa cam kết trong TPP và những công ước quốc tế đã được Việt Nam ký kết để hài hòa lợi ích và thống nhất cùng phát triển.

Một lần nữa, TPP chính là một phép thử dài hơi cho Việt Nam trong mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội.

Tin cùng chuyên mục