Nông nghiệp Việt Nam gập ghềnh hội nhập

2015 là một năm hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam khi liên tiếp những Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn được đàm phán, ký kết. Cùng với sự chuyển động của nền kinh tế, ngành nông nghiệp cũng trải qua 12 tháng nhiều hồi hộp, âu lo xuất phát từ những đánh giá về cơ hội cũng như thách thức đặt ra cho toàn ngành khi hội nhập sâu.

Khấp khởi vì xuất khẩu

Nhiều năm qua, nền nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ khi đạt mức tăng trưởng khá cao, đưa Việt Nam từ một nước thiếu gạo trở thành nước XK lúa gạo hàng đầu thế giới. Đặc biệt năm 2014, Việt Nam lần đầu tiên kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản cao kỷ lục đạt 31 tỷ USD.

Bước sang năm 2015, mặc dù XK nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn nhưng tính tới hết tháng 11, tổng kim ngạch XK cũng đã đạt 27,4 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông, lâm, thủy sản XK đạt mốc tỷ USD. Trên thực tế, suốt năm qua khi nền kinh tế đất nước hội nhập sâu với “sân chơi” kinh tế thế giới, nông nghiệp được nhận định là ngành hưởng nhiều lợi ích.

Hầu hết các FTA được ký kết năm nay như FTA Việt Nam-Hàn Quốc, FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu và cả Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam-EU chính thức kết thúc đàm phán đều tác động trực tiếp tới ngành nông nghiệp theo chiều hướng sẽ thúc đẩy XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư.

Đơn cử như trong FTA Việt Nam-Hàn Quốc, phía Hàn Quốc cam kết tự do hóa 97,2% giá trị NK (tính theo số liệu năm 2012), mở cửa thêm 500 mặt hàng, nâng tổng số dòng thuế tự do hóa lên 11.600 dòng thuế (chiếm 95,4% tổng biểu thuế). Trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản XK chủ lực của Việt Nam như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, sản phẩm nông nghiệp…

Với TPP, Thứ trưởng Hà Công Tuấn trong cuộc họp báo hồi đầu tháng 10 ngay sau khi TPP chính thức kết thúc đàm phán đã hồ hởi khẳng định: TPP có hiệu lực hầu hết các mặt hàng nông sản đã giảm thuế XK xuống hơn 90% và có mặt hàng xuống 0%. Chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ thuế suất XK các mặt hàng nông sản sẽ về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản XK Việt Nam có lợi thế như đồ gỗ, thủy sản…

Trong khi khấp khởi mừng vì những cơ hội XK mở ra thì cũng phải thừa nhận rằng, điểm đáng lo là “hành trang” hội nhập của toàn ngành còn khá mỏng. Trên thực tế, muốn hội nhập tốt, hai yếu tố quan trọng hơn cả là chất lượng và giá cả sản phẩm. Hai khía cạnh này, mặt nào nông nghiệp Việt Nam cũng yếu. Bởi nền nông nghiệp nước ta phổ biến là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó phát triển hiệu quả mô hình cánh đồng lớn, hạn chế trong áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất… Quy trình sản xuất theo lối nông hộ khá phổ biến khiến chất lượng nông sản khó đồng nhất, nhiều khi không đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế. Ngoài ra, nông nghiệp còn yếu bởi rất nhiều thứ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như cây giống, con giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi,… đều phụ thuộc nước ngoài.

Ái ngại ngành chăn nuôi

Trong “bức tranh” chung của toàn ngành nông nghiệp, không phải chỉ năm 2015 mà một vài năm trước khi nhiều FTA vẫn đang trong hồi đàm phán, ngành chăn nuôi đã được nhận định là yếu thế và chịu nhiều thách thức hơn. Cả đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các chuyên gia đều không ít lần đưa ra khẳng định, ngành chăn nuôi có thể bị “nhấn chìm” bởi những “con sóng” hội nhập ào ạt xô tới.

Suốt từ đầu năm đến nay, có rất nhiều hội thảo, hội nghị lớn nhỏ được tổ chức từ Bắc vào Nam để bàn về những tác động của hội nhập sâu tới ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Điển hình chỉ trong khoảng một tháng sau khi TPP chính thức kết thúc đàm phán, đã có 5-7 cuộc hội thảo được tổ chức chỉ để tìm ra giải pháp giúp ngành chăn nuôi có thể vượt “sóng”.

Theo ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thì ngành chăn nuôi vừa manh mún, tự phát, năng suất lại thấp, giá thành cao. Bên cạnh đó, liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi còn yếu. Với nền tảng như vậy, khi tiến sâu vào hội nhập, ngành chăn nuôi muốn giữ “sân nhà” còn khó chứ chưa nói gì tới đấu đá ở “sân khách”.

“Tác động trực tiếp và gay gắt nhất của các FTA chính là việc giảm các dòng thuế theo lộ trình đã cam kết, tạo cơ hội ngày càng tăng đối với việc NK các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta do có lợi thế về giá, về an toàn thực phẩm, trực tiếp cản trở sản xuất chăn nuôi trong nước, dễ tạo tình trạng cạnh tranh không cân sức và thiệt thòi vẫn luôn là chăn nuôi trong nước”, ông Trúc nhấn mạnh.

Xung quanh câu chuyện này, bên lề Hội thảo quốc tế “Ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập kinh tế chia sẻ kinh nghiệm - định hướng tương lai” diễn ra cuối tháng 10, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã chia sẻ với báo giới rằng: Đối với TPP, khả năng phát triển và cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam yếu thế hơn hẳn 11 nước còn lại, đặc biệt là so với Mỹ, Úc, Canada… Trong đó, đáng lo nhất chính là làm sao để đảm bảo chất lượng an toàn sản phẩm chăn nuôi.

Kịp thời nhưng thận trọng

Hội nhập đã cận kề, cơ hội mở ra khá lớn nhưng áp lực cạnh tranh đối với ngành nông nghiệp Việt Nam không hề nhỏ. Bởi lẽ, hội nhập sâu thúc đẩy XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, tuy nhiên khi hàng rào thuế quan mất đi thì những hàng rào phi thuế quan cũng từng bước được dựng lên.

Trên thực tế, Bộ NN&PTNT cũng đã nhìn nhận rất kỹ lưỡng, sát sao vấn đề cơ hội, thách thức của toàn ngành trong hội nhập. Suốt một năm qua, không ít lần vị “tư lệnh ngành” nông nghiệp Cao Đức Phát nhấn mạnh phải quyết tâm, đồng bộ áp dụng nhiều giải pháp để chuẩn bị cho nông nghiệp Việt Nam một “hành trang” vững vàng hơn. Và giải pháp tổng thể mà Bộ NN&PTNT quán triệt chính là thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ trương thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp; tổ chức sản xuất theo chuỗi hiệu quả; thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Nhiều chuyên gia nhận định, để ngành nông nghiệp trụ vững trước hội nhập, cần thiết phải có sự tham gia dẫn dắt của các DN lớn. Tại Diễn đàn kinh doanh 2015 với chủ đề “Đầu tư nông nghiệp thời TPP” diễn ra cuối tháng 11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng nhấn mạnh: DN đóng vai trò đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra động lực mới trong tái cơ cấu và hội nhập của nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, do ngành nông nghiệp quy mô còn nhỏ, nên Bộ NN&PTNT mong muốn các DN đầu tư vào nông nghiệp không chỉ nhằm thu về lợi nhuận cho mình mà cần dẫn dắt nền nông nghiệp hội nhập và giúp cho nông dân làm giàu.

Nhìn sâu vào “lỗ hổng” khiến nông nghiệp không thể trút bỏ “manh áo” cũ manh mún, nhỏ lẻ để khoác lên mình “tấm áo” mới quy mô công nghiệp, hiện đại, PTS. TS Bùi Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, muốn nông nghiệp khởi sắc phải đổi thay thực sự, đặc biệt là trong vấn đề tích tụ ruộng đất. Hiện nay ở Việt Nam để gom được 10-20 ha đất rất khó khăn. Trong khi đó, có những DN như Hoàng Anh Gia Lai sang Lào đầu tư có thể nhanh chóng thuê được cả trăm ha. Giải quyết tích tụ ruộng đất cũng là một trong những yếu tố khiến các DN mặn mà hơn khi đầu tư vào nông nghiệp.

Trên thực tế, với xuất phát điểm hiện tại, con đường hội nhập của ngành nông nghiệp Việt Nam còn không ít gập ghềnh. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao độ cùng tổng thể các giải pháp, hy vọng trong tương lai nông nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội, đồng thời từng bước hóa giải thách thức để vững vàng phát triển.

Nguyễn Hà

Tin cùng chuyên mục