TPP: Các kết quả chính tác động đến Nông Lâm ngư nghiệp Việt Nam

Download file: here
(vasep.com.vn) Sáng 6/11/2015, Bộ NN và PTNT đã tổ chức Hội nghị toàn thể IGS 2015 “Việt Nam gia nhập TPP: triển vọng và giải pháp cho ngành nông nghiệp” nhằm giới thiệu tổng quan nội dung các cam kết của TPP có liên quan đến ngành nông nghiệp Việt Nam, đánh giá tác động của TPP tới ngành nông nghiệp và thảo luận các cơ hội, thách thức và giải pháp tận dụng tốt nhất Hiệp định TPP cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững tại Việt Nam.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đồng chủ trì với sự tham gia của đại diện các nước thành viên Hiệp định TPP: Bí thư thứ hai của Australia ông Alex Maskiell, , Đại sứ Mexico bà Sara Valdes Bolano, Đại sứ Peru ông Luis Tsuboyama, đại diện các Cục, Vụ, Viện của Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng nông lâm thủy sản.

Tại Hội nghị, Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ NN và PTNT đã có báo cáo sơ bộ về kết quả đàm phán TPP trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, cơ hội thách thức và giải pháp đối với nông lâm thủy sản Việt Nam.

Theo đó, các kết quả chính của TPP tác động đến ngành nông lâm ngư nghiệp như sau:

- Xóa bỏ về cơ bản hàng rào thuế nhập khẩu đối với nông lâm thủy sản

- Về SPS: quy định các nguyên tắc chính nhằm tạo thuận lợi hơn cho thương mại gồm: các biện pháp SPS chỉ áp dụng ở mức độ cần thiết và không phân biệt đối xử (NT), công nhận tương đương, công nhận các vùng không dịch bệnh, minh bạch hóa, cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp, thuận lợi hóa quy trình kiểm tra, tham vấn kỹ thuật và tăng cường hợp tác giữa các bên

-Thiết lập lại một phần công bằng trong thương mại nông sản khu vực TPP thông qua cam kết xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản trong khu vực.

- Quy tắc xuất xứ hàng hóa: giữ mức cam kết tương tự như các FTAs Việt Nam đã ký, một số sản phẩm (sản phẩm nhạy cảm đối với sản xuất hoặc nguồn lợi chung) có mức cam kết cao hơn các FTAs hiện có.

- Quy định về các vấn đề môi trường có liên quan đến thương mại: xóa bỏ trợ cấp có tác động xấu đến nguồn lợi đã bị cạn kiệt, xóa bỏ trợ cấp cho tàu khai thác bất hợp pháp; thực thi các biện pháp và cam kết về quốc gia có cảng và quốc gia tàu treo cờ, chống thương mại thủy sản bị khai thác trái phép; cam kết thực thi đầy đủ CITES, tăng cường hợp tác và chống thương mại động thực vật hoang dã bị khai thác trái phép.

- Về đầu tư: Cam kết không phân biệt đối xử, xóa bỏ hạn chế, rào cản và điều kiện đầu tư không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tạo thuận lợi hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thông thoáng, minh bạch hơn và có thể dự báo.

- Cam kết cơ chế đảm bảo đầu tư với tiêu chuẩn cao, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được khởi kiện Chính phủ tại Trọng tài quốc tế theo quy tắc trọng tài khách quan, công bằng và minh bạch.

- Quy định về Sỡ hữu trí tuệ đối với nông hóa phẩm; thời hạn bảo hộ dữ liệu khảo nghiệm nông hóa phẩm.

Cụ thể, đối với việc mở cửa thị trường nông lâm thủy sản Mỹ: về thủy sản, có gần 74% xóa bỏ thuế quan ngay, đạt 92,68% kim ngạch XK vào Mỹ. Sau 3 năm sẽ có 76,17% dòng thuế về 0%, tương ứng 93% kim ngạch XK. Sau 10 năm, 100% sản phẩm được xóa bỏ thuế quan.

Đối với mở cửa thị trường nông lâm thủy sản Nhật Bản: So sánh với Hiệp định Đối tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản, Việt Nam đã tăng cường mở cửa thị trường đối với 38,4% số dòng nông sản, 64,8% số dòng thủy sản và 17,2% số dòng gỗ. Về thủy sản, có gần 65% xóa bỏ thuế quan ngay, đạt xấp xỉ 91%  kim ngạch XK vào Nhật Bản. Sau 5-7 năm sẽ có 73,65% dòng thuế về 0%, tương ứng 98,34%% kim ngạch XK. Sau 15 năm, 100% sản phẩm được xóa bỏ thuế quan.

Mở cửa thị trường thủy sản Mexico: Xóa bỏ thuế quan ngay và sau 3-5 năm: 60% dòng, chiếm 99,33% kim ngạch XK. Trong đó có cá tra được xóa bỏ thuế quan sau 2 năm. Sau 10-16 năm xóa bỏ thuế đối với 40% dòng còn lại, chiếm 0,67% kim ngạch XK.

Cùng với báo cáo của Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ NN và PTNT, TS. Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Phát triển NNNT cũng có bài trình bày đánh giá Hiện trạng thương mại Việt Nam và các nước TPP, đánh giá cơ hội và thách thức của các ngành hàng. 

Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội VASEP, Hiệp hội ngành hàng Chăn nuôi và một số đại biểu đã có các ý kiến liên quan đến các thách thức và giải pháp cho ngành nông thủy sản sau TPP như vấn đề vi phạm cam kết giữa các bên và giải pháp, năng suất lao động, ATTP, tuyên truyền thông tin…

Tin cùng chuyên mục