Liệu làn sóng covid-19 lần 2 có làm gián đoạn nguồn cung cá ngừ?

(vasep.com.vn) Làn sóng Covid-19 lần 2 đã tấn công Thái Lan và trong tuần này Chính phủ đã thắt chặt các biện pháp nhằm hạn chế virus lây lan. Đây là một xu hướng đáng lo ngại khi nhiều nhà máy sản xuất đồ hộp ở trung tâm sản xuất cá ngừ lớn nhất thế giới tập trung ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như Bangkok và Samut Sakhon. Những người lao động đánh bắt cá ngừ di cư có thể là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus.

Liệu làn sóng covid19 lần 2 có làm gián đoạn nguồn cung cá ngừ

Vào ngày 4/01/2021, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã thông qua các biện pháp mạnh hơn và tuyên bố 28 tỉnh bao gồm Bangkok và Samut Sakhon là các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Các quy định này, sẽ có hiệu lực đến hết tháng 2, tương tự như các quy định đã được thực hiện vào tháng 3/2020 khi lần đầu tiên diễn ra đại dịch. Mọi người đang được khuyến khích làm việc tại nhà và tất cả các cuộc tụ tập như hội họp và hội thảo đã bị cấm. Các địa điểm có nguy cơ như quán rượu, quán bar hay karaoke sẽ tạm thời bị đóng cửa. Việc đi lại liên tỉnh không được khuyến khích và các hành khách phải khám sức khoẻ. Các trường học và các trung tâm giáo dục trên toàn quốc sẽ phải đóng cửa trong 1 tháng.

Ngày 06/01/2021, Trung tâm Quản lý tình huống Covid-19 của Thái Lan (CCSA) đã xác nhận rằng con số người bị nhiễm virus đang tiếp tục tăng lên và cho đến nay, đã có 01 trường hợp tử vong và 365 trường hợp bị nhiễm mới. Sự gia tăng các ca nhiễm bệnh có liên quan tới một đợt bùng phát trong tháng 12 tại chợ tôm trung tâm tại tỉnh Samut Sakhon, phía Tây Nam Bangkok, với khoảng 90% người bị ảnh hưởng là lao động nhập cư từ Myanmar. Nhiều người trong số họ làm việc tại các nhà máy chế biến cá ngừ.

CCSA yêu cầu tất cả các tỉnh chuẩn bị cho việc thành lập các bệnh viện dã chiến trong trường hợp xấu nhất, nơi các trung tâm y tế trở nên quá tải vì bệnh nhân. Tỉnh Samut Sakhon đã đi đầu trong việc xây dựng 02 cơ sở như vậy cho những công dân Myanmar bị ảnh hưởng.

Liệu sự bùng phát này có ảnh hưởng tới các nhà máy chế biến không?

Điều đáng lo ngại là có rất nhiều nhà máy chế biến cá ngừ đặt tại tỉnh Samut Sakhon và Bangkok. Tập đoàn Thai Union cũng có các nhà máy tại tỉnh Samut Sakhon. Vào tháng 12, công ty đã thông báo với các cổ đông để trấn an rằng công ty đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa sức khoẻ cần thiết để đảm bảo cho các cơ sở này hoạt động. Với sự gia tăng các trường hợp nhiễm virus chủ yếu ở khu vực này, ngày 06/01/2021, tập đoàn này một lần nữa đã cung cấp thông tin cập nhật về tình hình của các nhà máy.

Cho đến nay, công ty chế biến cá ngừ lớn nhất thế giới đã xác nhận 69 nhân viên của mình mắc bệnh và những người không có triệu chứng đang được cách ly tại nhà hoặc tại các địa điểm của công ty. Công ty hi vọng tất cả mọi người sẽ được kiểm tra vào tuần tới. Công ty này cũng cho biết họ vẫn tiếp tục làm việc bình thường và các cuộc họp trực tiếp dành cho nhân viên, nhà thầu và khách hàng đã được cắt giảm để phục vụ hoạt động kinh doanh thiết yếu và chỉ khi có sự cho phép của nhóm quản lý. Việc di chuyển của nhân viên giữa các địa điểm làm việc trong nhà máy cũng bị hạn chế.

Nếu các trường hợp lây nhiễm tiếp tục tăng lên, có nguy cơ Chính phủ Thái Lan có thể thực hiện lệnh đóng cửa hoàn toàn. Điều này sẽ gây rắc rối lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng cá ngừ. Các nhà vận chuyển cá ngừ nguyên con đông lạnh từ khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO) có thể cho được phép cập cảng Bangkok nhưng nếu các nhà máy chế biến đóng cửa hoặc chỉ hoạt động với một nửa công suất, đặc biệt là do nhân viên bị ốm, các tàu sẽ không thể dỡ được hàng hoặc không dỡ được nhiều hàng. Việc dỡ hàng bị đình trệ và tích tụ sản lượng đánh bắt hoặc không bán được có thể làm giảm giá cá ngừ vằn tại Bangkok và sau đó là giá cá ngừ vằn thế giới.

Trong tháng 3/2020, hai nhà máy tại Mauritius đã hoạt động với 40% công suất tại thời điểm nước này ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi các trường hợp nhiễm virus tăng cao, điều này cũng làm gián đoạn việc xả hàng của các tàu khi cập cảng tại đây. Trong trường hợp này, các nhà sản xuất đồ hộp Thái Lan đã bị ảnh hưởng, các thương nhân sẽ buộc phải chuyển một số lô hàng của mình sang cho các trung tâm chế biến cá ngừ khác như Ninh Ba, Manta, hay thập chí Seychelles, điều này sẽ ngay lập tức tác động đến tình hình cung cấp tại các khu vực này, và có thẩy đẩy giá cá ngừ xuống thấp.

Tuy nhiên trong tháng 3/2020, các nhà máy sản xuất cá ngừ đóng hộp tại Thái Lan vẫn có thể hoạt động mạnh mặc dù lệnh phong toả nghiêm ngặt hơn. Hiện tại, các công ty đang chờ đợi xem các biện pháp của chính phủ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động trong những ngày tới.

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục