IATTC đồng ý chuyển hạn ngạch cá ngừ nhiệt đới sang năm 2021

(vasep.com.vn) Tại phiên họp đặc biệt diễn ra ngày 22/12/2020, Ủy ban cá ngừ nhiệt đới Liên Mỹ (IATTC) đã đồng ý chuyển hạn ngạch hiện tại đối với cá ngừ nhiệt đới ở Đông Thái Bình Dương sang năm 2021.

IATTC đồng ý chuyển hạn ngạch cá ngừ nhiệt đới sang năm 2021

Nghề đánh bắt cá ngừ nhiệt đới - bao gồm trữ lượng cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng và cá ngừ vằn - mang lại giá trị hàng tỷ USD mỗi năm. Tại cuộc họp thường niên vào đầu tháng 12/2020, Ủy ban đã không đạt được sự đồng thuận trong việc quản lý cá ngừ nhiệt đới với 01 phiếu chống của Colombia. Quốc gia này phản đối Nghị quyết của Ủy ban, cho phép hoạt động đánh bắt cá ngừ mà không có quy tắc quản lý nào bắt đầu từ ngày 1/1/2021.

“Thất bại trong việc đạt được sự đồng thuận có thể khiến vùng biển rộng lớn này không có bất kỳ quy tắc nào để quản lý nghề cá ngừ. IATTC phải làm tốt hơn trong tương lai “để đảm bảo loại khủng hoảng này không bao giờ xảy ra nữa”, Grantly Galland, một quan chức của Chương trình thủy sản quốc tế của Quỹ The Pew Charitable Trust cho biết trong một thông cáo báo chí.

Ông nói: “IATTC phải chứng minh rằng họ có nhiệm vụ quản lý nghề cá ngừ nhiệt đới một cách nghiêm túc. Các nhóm bảo tồn, các thành viên trong nghề khai thác, người mua thủy sản và công chúng đều giành sự quan tâm đặc biệt đối với sự bền vững trong tương lai của nghề cá Thái Bình Dương.  Pew Charitable Trust hy vọng IATTC làm việc một cách khẩn trương với các chiến lược thu hoạch cho phép tiếp tục hoạt động khai thác nhưng với một hệ thống quy tắc và giám sát chặt chẽ được áp dụng.

Trong tuyên bố riêng của mình, Quỹ Phát triển bền vững Thủy sản Quốc tế (ISSF) cho biết thỏa thuận chuyển đổi tất cả các hạn ngạch hiện tại “giữ nguyên cường lực khai thác hiện trạng và các điều khoản về giới hạn khai thác cũng như các giới hạn FAD đang hoạt động cho năm 2021.

Quyết định này đảm bảo rằng nguồn lợi cá ngừ có giá trị và các hệ sinh thái biển của khu vực Đông Thái Bình Dương sẽ được quản lý trong năm 2021. Điều này sẽ giúp Ủy ban một khoảng thời gian để phát triển và áp dụng một biện pháp quản lý toàn diện mới cho năm 2022, bao gồm các giới hạn dựa trên cơ sở khoa học đối với FAD và thực hiện đúng các khuyến nghị khoa học. ISSF kêu gọi các bên liên quan của IATTC hợp tác làm việc trong năm 2021 để tổ chức các cuộc thảo luận chi tiết, bao trùm nhằm đưa ra quyết định và hành động dựa trên cơ sở khoa học để bảo vệ trữ lượng cá ngừ EPO và hệ sinh thái biển của khu vực này.

ISSF sẽ tìm kiếm các cơ hội trong việc hướng dẫn IATTC và tất cả các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMOs) đối với cá ngừ, các quốc gia thành viên, tàu cá, dự án cải thiện nghề cá (FIPs) và các tổ chức phi Chính phủ về các vấn đề phức tạp mà họ phải định hướng cho nguồn lợi cá ngừ toàn cầu và hệ sinh thái bền vững của mình”

(Theo seafoodsource)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục