Chi phí vận tải tăng ảnh hưởng lớn tới ngành cá ngừ

(vasep.com.vn) Các lĩnh vực trên toàn cầu, bao gồm cả kinh doanh cá ngừ đang cố gắng đối mặt với những thách thức lớn về chi phí vận tải biển ngày càng tăng. Chi phí vận chuyển hàng hóa đang đắt đỏ hơn bao giờ hết và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tình trạng khan hiếm container và container bảo ôn đang tiếp diễn và tình trặng tắc nghẽn tại các cảng lớn ở Trung Quốc và Mỹ đang làm cản trở thương mại thế giới.
Chú thích ảnh
Chi phí vận tải tăng

Các hoạt động giao dịch cá ngừ vằn tại Bangkok đã chậm lại và chi phí vận chuyển là nguyên nhân chính của vấn đề này. Hiện chi phí vận chuyển một container từ Thái Lan sang Mỹ là 10.000 USD, tương đương khoảng 5 USD/thùng 48 hộp 5oz. Năm ngoái, chi phí vận chuyển 1 container vào khoảng 2.000 USD hoặc ít hơn, nghĩa là phí vận chuyển sẽ vào khoảng 1 USD/thùng. Các nhà sản xuất đồ hộp cho biết họ phải đối mặt với sự bùng nổ chi phí, trong đó chi phí vận chuyển từ Bangkok tới Châu Âu đang tăng gấp 3 lần.

Ngành cá ngừ phải tiếp tục vượt qua cơn bão khi hàng hoá vận chuyển đang giữ tại các cảng với khối lượng lớn. Và chi phí vận chuyển hàng hoá đang tiếp tục tăng.

Tắc nghẽn tại cảng Diêm Điền, Trung Quốc

Vào cuối tháng 5, một trong những bến cảng nhộn nhịp nhất của Trung Quốc, cảng Diêm Điền đã thông báo rằng họ sẽ không tiếp nhận bất kỳ container xuất khẩu hạng nặng mới nào vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Mặc dù cảng này dự định sẽ hoạt động trở lại hết công suất trong vài ngày tới, nhưng cảng này vẫn sẽ đóng cửa một phần. Chính quyền cảng Diêm Điền cho biết cảng này đang hoạt động 70% công suất và ước tính rằng bến cảng sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng tình trạng tồn đọng hàng hoá ở miền Nam Trung Quốc có thể mất nhiều tháng để giải quyết, điều này sẽ dẫn đến “hiệu ứng gợn sóng” đối với các cảng trên toàn thế giới.

Trong một tuyên bố báo chí, Tập đoàn A.P Moller-Maersk cho biết tình trạng tắc nghẽn không ngừng tại các cảng đang trở thành một vấn đề toàn cầu. Điểm cảng nghẽn lớn nhất hiện nay là cảng Diêm Điền, Trung Quốc, cảng lớn thứ 3 trên thế giới, nhưng vẫn còn nhiều cảng khác, nơi này chờ đợi 1 hoặc 2 ngày đang trở thành định chuẩn. Nhiều công nhân dự kiến sẽ quay trở lại cảng Diêm Điền và các bến cảng sẽ dần mở cửa nhưng thời gian chờ đợi trung bình hiện tại là 16 ngày hoặc hơn.

Ông Nerijus Poskus, Phó chủ tịch của Flexport Inc, cho biết tình trạng tắc nghẽn tại cảng Diêm Điền đã làm tăng thêm sự trì hoãn thương mại vào cuối mùa hè do nhu cầu hàng hoá cao điểm từ Mỹ và Châu Âu, nơi các nhà bán lẻ và các nhà NK khác bổ sung kho hàng trước đợt mua sắm cao điểm vào cuối năm.

Tại Mỹ, tình trạng tắc nghẽn vẫn đang diễn ra tại các cảng Los Angeles và Long Beach – cửa ngõ trong tuyến thương mại xuyên Thái Bình Dương với các bến tàu, nhà khai thác đường sắt và xe tải đều đang cố gắng để tăng năng lực đáp ứng khối lượng thương mại kỷ lục.

Chi phí vận chuyển cao hơn dự kiến

Đó là một viễn cảnh đáng sợ với các chỉ số vận chuyển không hề giảm tốc so với giá trị hàng hoá vốn đã tăng cao. Theo Chỉ số Vận chuyển HARPEX, giá container toàn cầu ở mức tối thiểu 412 điểm vào tháng 6 năm ngoái. Vào tháng 1/2021, giá container toàn cầu ở mức 1.063 điểm, và tuần trước chỉ số này ở mức 2.034 điểm, cho thấy giá trị vận tải đã tăng gấp 4 lần trong vòng một năm.

Ngoài ra, dữ liệu mới nhất từ Drewry Shipping, Tập đoàn dịch vụ và tư vấn hàng hải, ngày 17/6/2021 cho thấy giá cước container trên một số tuyến đã tăng. Một container 40ft từ Thượng Hải tới Rotterdam có giá 11.196 USD, tăng cao gấp 7 lần chỉ trong một năm. Theo Chỉ số Container Thế giới, giá trị hàng hoá trên mỗi container 40ft hiện ở mức 6.9757 USD. Công ty dự kiến giá sẽ tăng trong tuần tới do một số yếu tố bao gồm khối lượng giao dịch lớn và tình trạng thiếu thiết bị.

Ông Jordin Espin, Giám đốc Quan hệ Chiến lược của European Shippers’ Council (ESC) có trụ sở tại Brussel, gần đây cho biết ở cấp độ bán lẻ, các nhà cung cấp phải đối mặt với 3 lựa chọn: tạm dừng giao dịch, tăng giá hoặc chấp nhận chi phí để bù lại sau đó, tất cả đều có nghĩa là hàng hoá sẽ đắt tiền hơn. Chi phí sẽ được chuyển sang người tiêu dùng.

Ngành cá ngừ đang phải đối mặt với chi phí hoạt động ngày càng tăng, với giá dầu thực vật, giá nhiên liệu, và giá thép tăng vọt. Những chi phí gia tăng mà nhà các nhà sản xuất và chế biến cá ngừ phải chịu này cuối cùng sẽ được chuyển cho người mua và người tiêu dùng vào cuối năm nay. Ngoài ra, với việc vận chuyển hàng hoá bằng đường biển ngày càng tăng cao, giá bán lẻ cá ngừ đóng hộp và đóng túi cao hơn dường như là điều khó tránh khỏi.

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục