Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu và nhập khẩu

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ kịp thời cập nhật, phổ biến quy định của các nước nhập khẩu về kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thủy sản nhập khẩu vào các thị trường.
Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu và nhập khẩu
Ảnh minh họa

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về chất lượng, an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi sản xuất từ sơ chế, chế biến, tiêu thụ. Phối hợp với Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản trong việc góp ý, đánh giá, triển khai các yêu cầu về chứng nhận an toàn dịch bệnh của nước nhập khẩu đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu.

Để giảm thiểu các lô hàng bị vi phạm chỉ tiêu dịch bệnh, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản đề nghị Cục Thú y cần chủ trì tổ chức hướng dẫn các địa phương xây dựng các cơ sở, vùng nuôi an toàn dịch bệnh, đáp ứng theo quy định của Việt Nam, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và các nước nhập khẩu. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh trên địa bàn; giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng, trị bệnh hiệu quả.

Cùng với đó, các cơ sở nuôi trồng thủy sản cần tích cực triển khai áp dụng các quy trình nuôi trồng thủy sản an toàn an toàn dịch bệnh như: VietGAP, MSC, GlobalGAP. Tuân thủ quy định, hướng dẫn của Cục Thú y, các cơ quan thú y về xây dựng cơ sở, vùng nuôi an toàn dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh. Tuân thủ quy định, hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản về kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở nuôi.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản, theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, cần nghiên cứu, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu và hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền Việt Nam về kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch, giám sát dịch bệnh. Đồng thời, cần cập nhật chương trình quản lý chất lượng; chủ động có biện pháp tự kiểm soát dịch bệnh đối với nguồn nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, cần liên hệ với Cục Thú y để được hướng dẫn về nguồn nguyên liệu từ cơ sở nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh và lấy mẫu, xét nghiệm dịch bệnh theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Trước đó, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết đã có nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu bị vi phạm chỉ tiêu dịch bệnh tại một số thị trường. Trong đó, riêng năm 2019, xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc có 13/19 lô vi phạm chỉ tiêu WSSV (bệnh đốm trắng); với thị trường Trung Quốc, có 17/32 lô vi phạm chỉ tiêu WSSV; với thị trường Úc, có 5/8 lô vi phạm chỉ tiêu WSSV. Trong năm 2020, thống kê cho thấy, không có lô vi phạm đối với thị trường Hàn Quốc; 1 lô vi phạm (thị trường Úc); riêng thị trường Trung Quốc, có 15/40 lô vi phạm. Trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc, Úc không có lô vi phạm; xuất khẩu tới Trung Quốc có 6/14 lô vi phạm.

(Theo Thương hiệu và Công luận)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục