Doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản gặp khó do Trung Quốc siết chặt kiểm soát

Trung Quốc tăng kiểm soát, lấy mẫu hàng thủy hải sản đông lạnh nhập khẩu để ngăn chặn dịch COVID-19 khiến mặt hàng này bị ùn ứ lớn tại cảng, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản gửi đến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra liên quan việc thời gian gần đây Trung Quốc tăng cường kiểm soát đối với hàng thủy sản đông lạnh nhập từ các nước trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, theo VASEP, từ 10-11 đến nay, Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết các cảng quan trọng như: Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân... 

Theo qui định mới, các lô hàng thủy hải sản đông lạnh bao gồm cá tra phile sẽ phải lấy mẫu kiểm tra COVID-19 trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thời gian từ khi lấy mẫu đến trả kết quả để thông qua vẫn chưa có hướng dẫn và thông tin rõ ràng khiến lượng hàng hóa bị ách tắc tại cảng rất lớn.

"Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao làm việc với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc để sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dựa trên cơ sở Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch COVID-19", VASEP đề xuất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 25-11, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP xác nhận dù nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản Trung Quốc tăng cao, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp không thể xuất hàng vào do quốc gia này áp dụng việc kiểm tra từng container, phun khử trùng, đưa vào kho lấy mẫu khiến quá trình thông quan diễn ra lâu hơn so với bình thường, ùn ứ kéo dài.

"Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh nên phía Trung Quốc có thể tạo điều kiện chỉ định nhập cảng an toàn, hoặc ưu tiên luồng nhập để tạo điều kiện đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam", ông Hòe nói.

Tuy vậy, theo ông Hòe, do chính sách an toàn dịch bệnh nên các doanh nghiệp Việt Nam cần bình tĩnh, tránh nôn nóng chào bán giá thấp ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang thị trường này; thay vào đó cần chủ động đàm phán với đối tác để điều chỉnh lịch xuất nhập khẩu, tiêu thụ… hợp lí, hạn chế việc ùn ứ hàng trước khi có những giải pháp hữu hiệu.

(Theo báo Tuổi trẻ)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục